Ô nhiễm nặng nề suốt nhiều năm, các cấp chính quyền đã vào cuộc, thế nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Động thái đối đầu với ô nhiễm
Từ nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã không còn xa xạ, vì lẽ đó mà làng nghề Mẫn Xá còn được biết đến là “làng nghề ô nhiễm nhất cả nước”.
Trước tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, quá nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, truyền hình đã tới đây, với mong muốn truyền tải câu chuyện của dân, để các đơn vị, cơ quan chức năng sớm vào cuộc. Theo đó, nhiều đề xuất đã được lập, nhiều văn bản được thông qua và cũng không ít ý kiến chuyên môn được đưa ra về vấn đề môi trường tại làng nghề Mẫn Xá.
Lẽ dĩ nhiên, cơ quan quản lý địa phương không thể không có động thái trước thực trạng ô nhiễm ngày càng đáng báo động.
Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cho thành lập Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng, có diện tích 26,54 ha. Theo đó, dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng được các nhu cầu cần thiết cho các hộ đang sản xuất tại gia đình trong thôn Mẫn Xá cũng như các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà xưởng có quy mô khác nhau (khoảng 200 – 900m2) với dây chuyền sản xuất hiện đại.
Theo kế hoạch đề ra, khi CCN đi vào hoạt động với lượng nhân công có tay nghề của địa phương và các vùng lân cận sẽ tạo ra các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Ước tính, với diện tích đất công nghiệp được phê duyệt là 123.277m2, sẽ có hơn 550 hộ gia đình (với quy mô khoảng 220m2/xưởng) thuộc làng nghề Mẫn Xá được đưa về đây hoạt động, góp phần giảm tải ô nhiễm do rác thải đổ ra môi trường.
Đến năm 2019, UBND huyện Yên Phong đã chỉ đạo Công an huyện chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Văn Môn lập các trạm kiểm soát vào làng nghề để kiểm tra xử lý nguyên liệu đầu vào các lò cô đúc nhôm trên địa bàn xã, vận động các cơ sở, hộ gia đình kí cam kết không đổ, đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường. Một số cơ sở đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, UBND xã Văn Môn đã thành lập tổ phản ứng nhanh đối với công tác bảo vệ môi trường để xử lý các trường hợp đổ, đốt chất thải công nghiệp ra môi trường; chỉ đạo lực lượng công an, dân phòng của xã, thôn tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, đổ chất thải sinh hoạt, công nghiệp trên đất nông nghiệp, không đúng nơi quy định.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cho phép UBND huyện Yên Phong triển khai nhiều dự án, bao gồm: Dự án Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn; Dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề Mẫn Xá với diện tích 3,8 ha.
Gần đây nhất, tháng 11 vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính 5 cá nhân tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền 875 triệu đồng. Theo đó, Mỗi cá nhân bị xử phạt 175 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động 9 tháng và buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả thực tiễn, thành công hay thất bại?
Theo một báo cáo cuối năm 2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, thì công tác môi trường tại làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá chưa thể xử lý dứt điểm bởi nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như: Do ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất và của nhân dân còn thấp; do chế tài chưa đủ mạnh và không phù hợp thực tiễn (kê biên nhưng tài sản không có giá trị tương ứng với số tiền phạt, niêm phong nhà xưởng nhưng cơ sở cố tình hoạt động, khấu trừ tiền tài khoản nhưng tài khoản của cơ sở không còn tiền…)
Tháng 5/2021, Sở TNMT tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ra văn bản đề nghị UBND huyện Yên Phong tập trung chỉ đạo triển khai một số nội dung bao gồm: Xây dựng định mức và đơn giá xử lý chất thải tồn đọng tại xã Văn Môn làm căn cứ lập Dự án đầu tư thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã Văn Môn; đẩy nhanh tiến độ lập Dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn phát sinh mới trên địa bàn xã Văn Môn với diện tích 3,8ha; yêu cầu chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và Khu tập kết chất thải của CCN…
Nhiều văn bản là vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cũng đã có nhiều động thái, mềm mỏng có, mà cứng rắn cũng có. Thế nhưng, suốt những năm qua, tình hình ô nhiễm thực tế chẳng hề thuyên giảm đã phần nào phản ánh kết quả đạt được thông qua các văn bản đôn đốc, chỉ đạo. Vậy kết quả đạt được là do chính quyền địa phương “làm chưa tới”, hay do người dân “bất hợp tác”?
Tiếp xúc và trao đổi với người dân làng nghề Mẫn Xá, PV được biết người dân từ lâu đã không muốn con cháu mình sống trong cảnh rác thải xung quanh, không muốn tiếp tục phải hít thở bầu không khí độc hại. Họ biết về tình trạng ô nhiễm trầm trọng, dù chưa hiểu rõ ô nhiễm đến mức nào, nguy hại ra sao. Thế nhưng, quá nhiều những đoàn thể đến rồi đi, quá nhiều những ý kiến, chỉ đạo được đưa ra trên giấy tờ mà chẳng khiến tình hình khá hơn đã dần dập tắt niềm tin của dân chúng.
Anh N.V.H, một chủ xưởng tại làng nghề Mẫn Xá tâm sự: “Nhiều đoàn về đây lắm rồi, cũng nghe nói có chỉ đạo này nọ, nhưng xong rồi chỉ thấy mất tích hết thôi. Bọn anh (người dân thôn Mẫn Xá – PV) ở đây ai chẳng muốn ra chỗ cụm công nghiệp của Hanaka. Bọn anh sẵn sàng ra đó ngay, lắp đặt hệ thống xử lý đầy đủ luôn, nhưng mà giá cả phải hợp lý như ban đầu cam kết. Người có học thì bỏ làng này đi hết rồi, bọn anh ở lại là để giữ cái nghề cha ông, mà giờ chính quyền cưỡng chế, bắt đóng lò không cho làm nữa thì bọn anh biết làm cái gì mà sống?”.
Hầu hết người dân đều có mong muốn được chuyển lò nấu nhôm ra CCN làng nghề do Công ty Hanaka làm chủ đầu tư với mức giá thuê đất là 3 – 4 triệu đồng/m2, để tiếp tục duy trì hoạt động nấu nhôm hiện tại, lưu giữ nghề truyền thống của cha ông, đồng thời có thu nhập lo cho gia đình.
Rõ ràng, sẽ có những khó khăn trong việc xử lý hàng trăm ngàn tấn rác thải tại thôn Mẫn Xá, thậm chí khối lượng công việc sẽ vô cùng lón, cần nhiều cơ quan chức năng chung tay hợp tác. Thế nhưng, không thể thấy cái khó mà không làm, khi mà hàng ngàn nhân khẩu đang ngày ngày sống chung với ô nhiễm, sức khỏe bị bà mòn từng chút một.
Nguyên nhân vì sao mà sau nhiều năm, CCN làng nghề thôn Mẫn Xá mới vẫn chưa hoàn thiện? Tại sao người dân vẫn tiếp tục phải mòn mỏi đợi chờ? Các cơ quan chức năng địa phương đến bao giờ mới “thực sự” bắt tay vào việc?
Câu trả lời tiếp tục được cập nhật ở kỳ sau.
Nguồn Minh Châu, Báo Tri thức và cuộc sống