Hơn 20 năm môi trường làng nghề Mẫn Xá bị ô nhiễm trầm trọng, vậy các cơ quan địa phương, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm như thế nào?
Người dân mất dần hy vọng
Có thể khẳng định, một trong số các loại rác thải nguy hiểm nhất được thải ra mỗi ngày là chất thải công nghiệp – thường phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay sinh hoạt của nhà máy, xí nghiệp, theo nhiều dạng khác nhau. Bởi tính chất tồn tại lâu dài và khó phân hủy của chất thải công nghiệp, các loại hóa chất sẽ ngấm dần vào các mạch nước ngầm và đất đai, khiến cho môi trường bị ô nhiễm trong thời gian dài. Tình trạng ô nhiễm không chỉ dừng lại ở một đời người mà có thể kéo dài đến cả trăm hay hàng ngàn năm, hệ lụy đến hàng chục thế hệ con, cháu sau này.
Trước tình trạng ô nhiễm trên cả nước nói chung và ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống nói riêng, năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, làng nghề phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường sau: Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề; Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường…
Thực tế, vẫn tồn tại những điểm nóng về ô nhiễm như làng nghề cô đúc nhôm thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, nơi các quy định về điều kiện bảo vệ môi trường hoàn toàn đã bị phá bỏ.
Từ năm 2018, khối lượng chất thải rắn tại khu vực này ước tính đã vào hơn 370.000 tấn. Tại thời điểm hiện nay, với tốc độ phát triển công nghiệp ngày một nhanh chóng, lượng chất thải có thể đã lên đến con số 400.000 hoặc hơn. Ai có thể khẳng định rằng hàng trăm ngàn tấn chất thải rắn kia không chứa thành phần chất thải nguy hại? Và liệu ai có thể trả lời mức độ lây lan ô nhiễm vào các nguồn nước xunh quanh đã đến mức nào?
Có thể thấy, điểm nóng làng nghề Mẫn Xá là ví dụ điển hình cho việc buông lỏng quản lý và sự thờ ơ với vấn đề ô nhiễm môi trường, giờ đây đã trở nên quá khó để một hay hai cơ quan chức năng vào cuộc mà xử lý được. Thậm chí, không ít người dân sinh sống tại đây đã từ bỏ hy vọng, đánh mất niềm tin vào bộ máy chính quyền.
UBND xã “lực bất tòng tâm”?
Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), trong những năm qua, UBND xã Văn Môn đã có nhiều văn bản chỉ đạo các thôn, Công an xã, Đài truyền thanh xã cùng nhiều hành động thiết thực để tuyên truyền, phổ biến trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Một số văn bản nổi bật có thể kể đến như: Văn bản số 205/CV-UBND ngày 18/3/2020 về việc cấm xe chở, đổ, đốt rác thải, chất thải, đặc biệt là rác thải y tế, rác thải sân bay về địa bàn xã Văn Môn; Thông báo số 18-TB-UBND ngày 05/3/2021 về việc nghiêm cấm đổ rác thải, chất thải, bã xỉ nhôm lên trên đất nông nghiệp, trên các trục đường giao thông trên địa bà toàn xã; Văn bản số 139/CV-UBND ngày 31/5/2021 về việc nghiêm cấm đổ trộm rác thải, chất thải, bã xỉ nhôm lên trên đất nông nghiệp trên địa bàn; Văn bản số 151/UBND-NN ngày 16/6/2021 về việc tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp đổ rác thải, chất thải, bã xỉ nhôm lên trên đất nông nghiệp và những nơi không đúng quy định…
Với nhiều văn bản và nỗ lực như vậy, khó có thể nói UBND xã Văn Môn bỏ mặc người dân. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm, đổ thải tại đây gần như không có sự thuyên giảm, cho thấy những nỗ lực này chỉ như “muối bỏ bể”. Phần nào lý do là bởi chính các quy định hiện nay về quyền hạn, trách nhiệm cũng như chế tài đối với các loại vi phạm trong lĩnh vực môi trường đã hạn chế đi quyền hạn, chức năng của UBND cấp xã.
Bởi lẽ, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND cấp xã có hai chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là Chủ tịch UBND cấp xã và Trưởng Công an cấp xã.
Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 5.000.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 10.000.000 đồng); tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền 5.000.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 10.000.000 đồng); áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trưởng Công an cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 2.500.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 5.000.000 đồng); tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2.500.000 đồng đối với cá nhân (đối với tổ chức không quá 5.000.000 đồng); áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Luật Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Với việc các trường hợp xả thải, gây ô nhiễm môi trường tại đây đều ở mức nghiêm trọng, việc UBND cấp xã chỉ có thể xử phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa gần như không đủ để khiến người vi phạm dè chừng. Phần lớn các trường hợp vi phạm xảy ra, khi muốn xử phạt “mạnh tay” thì UBND xã Văn Môn phải báo cáo lên UBND huyện Yên Phong, rồi lại chờ chỉ đạo từ trên xuống, vô hình chung việc xử phạt bị chậm trễ, không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, xã Văn Môn có muốn xử lý ô nhiễm cũng lực bất tòng tâm, do không chỉ bị giới hạn bởi quyền hạn mà khả năng chuyên môn, nhân lực cũng đều không đủ để giải quyết vấn đề nan giải này. Muốn chuyển khối lượng tro, xỉ thải tồn tại 20 năm qua tại làng nghề Mẫn Xá sang vùng khác thì phải giải quyết hàng chục câu hỏi: Di chuyển đi đâu? Ai cho phép chuyển? Kinh phí ở đâu ra? Nhân lực từ đâu đến? Đơn vị nào tiếp nhận?
Có lẽ cần phải có sự điều chỉnh về quyền hạn, trách nhiệm cũng như chế tài liên quan tới các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường như tại làng nghề thôn Mẫn Xá. Đồng thời, nếu không có sự vào cuộc, kết hợp của các cơ quan quản lý cấp cao hơn, việc một mình UBND xã Văn Môn thành công xử lý ô nhiễm tại làng nghề Mẫn Xá là chuyện bất khả thi. Mong muốn của người dân thôn Mẫn Xá cũng chẳng thể thành sự thật, và con, cháu và những thế hệ sau vẫn phải ngày ngày sống trong ô nhiễm.
Theo Minh Châu, báo Tri thức và cuộc sống