Đi dọc làng Mẫn Xá (Bắc Ninh), xung quanh những ngôi nhà “nhọ nhem” quanh năm “cửa đóng then cài” luôn mịt mù khói bụi là những bao xỉ thải cỡ lớn vứt ngập đường từ các hộ làm nghề cô đúc nhôm.
Bước vào đầu làng Mẫn Xá, (thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), phóng viên đã trực tiếp cảm nhận được mùi khét tỏa ra với bầu không gian lúc giữa trưa vẫn mờ mịt khói bụi.
Bà N.T.L, một cư dân của làng Mẫn Xá cho biết, gia đình bà gồm 3 thế hệ hiện sinh sống tại đây. Hàng ngày, các thành viên phải thay nhau dọn dẹp nhà cửa, đánh rửa đồ đạc từ trong ra ngoài vì “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, bà L. chưa có bữa cơm nào trọn vẹn.
“Ở đây toàn khói bụi, riêng nhà tôi sống gần các lò đúc nhôm nên tình trạng ô nhiễm nặng hơn. Đường xá, nhà cửa quanh năm bụi bặm, đen kịt và ám khói, còn người lúc nào cũng nhọ nhem. Dù gia đình tôi thường xuyên đóng cửa, phải dùng đồ chặn kín các kẽ hở trong nhà nhưng cũng chẳng khắc phục được.
Mỗi bữa cơm, tôi phải đóng hết các cửa. Ai nấy ăn nhanh rồi đứng dậy để tránh bụi, xỉ nhôm bay vào mâm. Ngoài ra, thức ăn cũng xử lý hết từng bữa, không để đồ dư thừa vì cũng chẳng biết cất ở đâu”, bà L. nói.
Người phụ nữ hơn 60 tuổi cho hay, tình trạng ô nhiễm ở làng Mẫn Xá đã diễn ra từ rất lâu, ngày càng nghiêm trọng khi số lượng các lò đúc nhôm tăng lên.
Mùa hè, khói bụi bay mù mịt, xỉ thải nhôm trải ngập đường. Đến mùa mưa, nước ngập màu đen ngòm, bốc mùi khai, chảy đầy các ngõ ngách, cống rãnh.
“Mùa nào cũng khổ, nhưng chúng tôi cũng chẳng có điều kiện mà chuyển đi đâu. Cả năm, chỉ có 1-2 tuần trong dịp Tết là nhà cửa sạch sẽ. Vì lúc ấy, các lò nhôm đóng cửa, tạm dừng hoạt động để công nhân nghỉ Tết về quê”, bà L. tiết lộ thêm.
Được biết, làng Mẫn Xá được mệnh danh là ngôi làng phế liệu lớn nhất miền Bắc với gần 30 năm làm nghề tái chế nhôm. Tuy nhiên, suốt nhiều năm nay, người dân địa phương luôn sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng khi các lò đúc nhôm hoạt động hết công suất, còn tình trạng đổ xỉ thải trộm vẫn tái diễn hàng ngày.
Phía sau làng, xỉ thải chất cao như núi. Còn xen giữa những ngôi nhà quanh năm “cửa đóng then cài” là các bao tải đựng xỉ thải nhôm cỡ “khủng” vứt ngổn ngang.
Theo người dân địa phương, vì khu vực thiếu chỗ xử lý xỉ thải nên các hộ kinh doanh, xưởng đúc nhôm vẫn đổ trộm trực tiếp ra môi trường, tràn lan từ tỉnh lộ đến cả nghĩa địa.
“Người sống đã khổ, người chết cũng chẳng yên. Thậm chí, lúc trong làng có người mất, dân phải ra dọn đường mới đủ chỗ cho xe tang đi qua. Người ta cứ thản nhiên vứt bịch bao xỉ thải xuống đường như chuyện vô ý, có người còn bảo “đánh rơi” rồi quay lại nhặt sau, đủ chiêu trò để đổ trộm, bất kể ngày hay đêm”, ông N.V.K, một người dân sống ở làng Mẫn Xá cho biết.
Ông K. cũng nói thêm, xỉ thải nhôm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường nhật và sức khỏe mà còn đe dọa hoạt động canh tác lúa của người dân địa phương.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Đức Thuyên – Phó chủ tịch xã Văn Môn xác nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế nhôm lớn nhất miền Bắc diễn ra từ nhiều năm nay. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho người dân nhưng chưa hiệu quả.
Để giảm thiểu vấn nạn này, đầu năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định thành lập Cụm công nghiệp Làng nghề Mẫn Xá với diện tích 29,6 ha. Trong đó, vị trí bãi thải cũ sẽ là nơi xây dựng trạm thu gom xỉ thải phát sinh của các cơ sở tái chế phế liệu nhôm với diện tích lên đến 3,8 ha.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy vì những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
“Về mặt lâu dài, đây là chủ trương đúng đắn của địa phương nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực. Nhưng trong quá trình triển khai thực tế, xã cũng gặp nhiều khó khăn do không có đủ thẩm quyền và tiềm lực, tiềm năng để giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, trong công tác giải phóng mặt bằng, một số hộ dân không ủng hộ, đồng tình với chính quyền địa phương về việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang khu xử lý chất thải cứng và chất thải sinh hoạt”, ông nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, từ năm 2021 đến nay, UBND xã đã xử lý 16 vụ đổ trộm xỉ thải nhôm ra môi trường và xử phạt 1.5 triệu đồng/trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên các vụ đổ trộm vẫn diễn ra thường xuyên. Sau khi bị cấm đổ thải vào bãi xỉ phía sau làng, các đối tượng lại đổ ra nhiều con đường khác, thậm chí “lấn” sang cả làng bên. Trong khi những bãi thải cũ chưa kịp xử lý thì các bãi mới lại mọc lên.
Ông bày tỏ mong muốn các cấp các ngành quan tâm hơn nữa và hỗ trợ địa phương có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm kéo dài, từ đó duy trì làng nghề, giúp bà con mưu sinh mà vẫn bảo vệ môi trường.
Nguồn Báo Dân trí