Theo UNEP, những cam kết cắt giảm khí thải mới được các quốc gia đệ trình theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chỉ giúp giảm 7,5% mức khí thải dự kiến vào năm 2030.
Ngày 26/10, Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) công bố báo cáo đánh giá các cam kết cắt giảm khí thải mới được các quốc gia đệ trình theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo khẳng định những kế hoạch này hoàn toàn không đủ để thu hẹp đáng kể mức ô nhiễm khí thải carbon trong ngắn hạn và theo lộ trình đó, nhiệt độ Trái Đất vào cuối thế kỷ này vẫn sẽ tăng 2,7 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Theo UNEP, những cam kết mới này chỉ giúp giảm 7,5% mức khí thải dự kiến vào năm 2030. Để đạt mục tiêu hạn chế mức nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ thì cần mức giảm tới 55%, gấp 7 lần so với những cam kết mới nhất này.
Trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ khai mạc trong tuần tới, cơ quan phụ trách vấn đề khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng những cam kết mà các quốc gia mới đệ trình chính là cơ sở để khẳng định những lo ngại của Liên hợp quốc về việc các quốc gia đang trì hoãn đưa ra những mức cam kết đủ cao để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng ấm lên toàn cầu.
Trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015, các quốc gia cam kết nỗ lực để hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp ở mức dưới 2 độ C và tốt nhất là ở 1,5 độ C thông qua các biện pháp cắt giảm khí thải toàn diện và quyết liệt.
Theo một cơ chế nêu trong thỏa thuận, các quốc gia ký kết phải đệ trình các kế hoạch khí hậu mới, viết tắt là NDC, sau mỗi 5 năm.
Trong báo cáo đánh giá về việc đệ trình NDC mới trước thềm hội nghị COP26, Liên hợp quốc cho biết có 143 quốc gia đã đệ trình các bản NDC mới hoặc cập nhật nội dung NDC trước.
Hồi tháng 9, trong báo cáo đánh giá tổng hợp các kế hoạch khí hậu mà các quốc gia đệ trình theo Hiệp định Paris biến đổi khí hậu, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cũng nhận định với những cam kết được nêu trong các kế hoạch, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2,7 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp.
Chủ tịch IPCC Patricia Espinosa nhấn mạnh thông điệp từ báo cáo đánh giá mới là rất rõ ràng: các bên cần nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng trong giới hạn 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C vào cuối thế kỷ như mục tiêu đã nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.
Theo TTXVN/Vietnam plus