Để loại bỏ xe máy cũ nát, có ý kiến đề xuất quy định niên hạn với xe máy, trong khi ý kiến khác cho rằng nên dựa vào tiêu chuẩn khí thải.
Khó thu hồi, xử phạt
Ghi nhận thực tế tại các đô thị lớn cho thấy, dù những chiếc xe cũ nát lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT nhưng việc xử lý không đơn giản.
Nhiều CSGT cho biết, thực tế họ cũng chỉ phạt được người điều khiển, còn phương tiện thì không, do chưa có quy định. Thậm chí, nếu mức phạt cao, nhiều người sẵn sàng bỏ luôn phương tiện.
Tại Hà Nội, thống kê của Sở TN&MT cho thấy, hiện thành phố có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy đăng ký trước năm 2000.
Tại TP.HCM cũng có gần 8 triệu xe máy đang lưu hành, trong đó một nửa là xe đã sử dụng lâu năm, thậm chí được sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ XX.
Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện cả nước có gần 60 triệu mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, chiếm 95% số lượng xe cơ giới, thải ra 80-90% lượng khí CO, HC và các độc tố có trong xăng, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.
Trong đó, các đô thị lớn như: Hà Nội và TP.HCM có lượng xe máy chiếm 1/4 lượng xe cả nước và có mức gây ô nhiễm từ xe máy khá cao.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, hiện nay mới chỉ có quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô, còn các loại môtô, xe gắn máy chưa có. Do chưa có quy định nên đến nay cũng chưa có thống kê cụ thể nào về tình trạng xe cũ nát trên toàn quốc.
“Việc thu hồi xe máy cũ nát cũng không hề đơn giản bởi đó là tài sản của người dân. Do đó cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ”, ông Phương nói.
PGS. TS. Chu Công Minh, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết, khảo sát các vụ TNGT tại TP.HCM cho thấy, có đến hơn 44% số phương tiện có khoảng thời gian sử dụng từ 10 – 15 năm.
“Cần ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ quy định về niên hạn sử dụng. Xe máy chỉ nên có niên hạn tối đa 15 năm”, PGS. Minh nói.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng khoa kinh tế Trường Đại học GTVT Hà Nội cũng chung quan điểm này khi cho rằng, nên xem xe máy như những loại hàng hóa khác. Khi hết niên hạn, xem như chất lượng của phương tiện không còn nữa, nên chấm dứt lưu hành.
Luật hóa kiểm định khí thải xe máy
Tuy vậy, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định niên hạn sử dụng mà cần dựa vào các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải để sàng lọc, thải loại phương tiện cũ nát. Đây được coi là cách làm vừa khoa học, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nội dung kiểm soát phát thải, khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy là một trong những giải pháp quan trọng được nêu trong Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhằm loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, mới đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đề xuất Bộ GTVT báo cáo, đề xuất Chính phủ quy định niên hạn sử dụng với mô tô, xe gắn máy để làm căn cứ xây dựng các biện pháp xử lý.
Ông Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, khi sử dụng hàng rào kỹ thuật bằng tiêu chuẩn khí thải, cơ quan chức năng có thể kiểm tra ngẫu nhiên phương tiện đang lưu thông, nếu không đạt sẽ bị phạt nặng. Tất nhiên, trước khi ban hành quy định cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm được.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, từ năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe máy do Bộ GTVT trình với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định 80 – 90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM và mở rộng cho 60% xe máy tại các thành phố loại 1, 2. Tuy nhiên, do chưa có quy định trong Luật nên khó triển khai (Luật GTĐB 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô).
Theo yêu cầu của Thủ tướng, tại dự thảo Luật mới vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ, quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đã được bổ sung.
“Theo dự thảo, công tác kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Trên cơ sở quy định của Luật, sẽ xây dựng lộ trình kiểm định khí thải phù hợp tại Nghị định hướng dẫn để triển khai đồng bộ trên cả nước”, bà Nga nói.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết đã xây dựng kế hoạch tổng thể về kiểm soát khí thải xe máy và thí điểm một số bước. Đây là tiền đề quan trọng để có thể triển khai ngay sau khi nội dung này được quy định trong luật.
Đến nay, Cục Đăng kiểm VN đã chuẩn bị cho việc triển khai như xây dựng trạm mẫu kiểm định khí thải xe máy để phục vụ nghiên cứu, lập mô hình thí điểm tại các đại lý bán xe máy; xây dựng các thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế tài xử phạt, biểu phí và các hướng dẫn thực hiện; xây dựng phần mềm quản lý…
Miễn kiểm tra khí thải trong 3 năm đầu
Cục Đăng kiểm VN cho biết, khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết xe máy trong 3 năm đầu sử dụng đều duy trì tốt chất lượng an toàn kỹ thuật và khí thải.
Trước khi bán ra thị trường, xe đã được kiểm tra chất lượng xuất xưởng và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất.
Vì vậy, trong 3 năm đầu xe tham gia giao thông nên được miễn, đến năm thứ tư mới phải đưa đi kiểm tra khí thải và chu kỳ là 1 năm/lần.
Xe có kết quả kiểm định đạt quy chuẩn khí thải có dán tem môi trường mới được phép tham gia giao thông.
Trường hợp không đạt phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và được kiểm định lại. Phí kiểm định khí thải được tính toán phù hợp với chi phí tổ chức kiểm định, có thể thu trực tiếp hoặc thông qua phí môi trường.
Nguồn Báo giao thông