Nhiều “núi” rác mọc lên ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Trong khi đó, có những nhà máy xử lý rác đầu tư xong lại không hoạt động.
Các tỉnh miền Tây Nam Bộ cứ loay hoay với điệp khúc: kêu gọi đầu tư, rác ùn ứ, ô nhiễm, xử phạt và sau đó… nhà máy lại “trùm mền”?
“Núi” rác “mọc” từ đất liền ra biển đảo
Tại An Giang, khu liên hợp xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên (Công ty cổ phần Môi trường đô thị An Giang) từ xử lý chôn rác nay đã mọc lên hai “núi” rác cao 35m.
Hố chôn số 1 tại huyện Châu Thành có diện tích 17.800 m2 để chôn lấp rác cho TP Long Xuyên và hai huyện Châu Thành, Châu Phú. Đến tháng 11-2021, hố chôn này đã quá tải hàng trăm ngàn tấn rác.
Cuối năm 2021, công ty đã xây dựng hố chôn lấp số 2. Nhưng chỉ hơn một năm rác đã tràn ngập khoảng 170.000 tấn. “Hố chôn rác này ban đầu tính làm tạm, sau đó kêu gọi đầu tư. Nhưng chưa thấy doanh nghiệp nào tới. Công việc của chúng tôi là xử lý để rác không tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến bà con” – ông Lê Thành Tiến Danh, nhân viên khu liên hợp xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên, nói.
Tỉnh Tiền Giang cũng có tám bãi rác đang hoạt động, trong đó hai bãi rác Tân Lập (huyện Tân Phước) và Long Chánh (thị xã Gò Công) đang tồn đọng hàng triệu tấn rác. Bãi rác Tân Lập 1 rộng gần 15ha, là nơi tập kết rác thải sinh hoạt, sản xuất từ bảy huyện, thành phố trong tỉnh. Hằng ngày có 500 tấn rác được đưa đến đây trong khi công suất chôn lấp của bãi này chỉ 180 tấn/ngày đêm.
Tại tỉnh Vĩnh Long, mỗi ngày có trên 350 tấn rác được đưa về chôn lấp tại bãi rác duy nhất của tỉnh ở xã Hòa Phú, huyện Long Hồ. Do quá tải nên khu vực này thường xuyên bốc mùi hôi thối, phát tán mùi ra quốc lộ 1, khu dân cư 450 hộ dân sinh sống xung quanh.
Huyện đảo Kiên Hải và TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng khốn khó vì rác thải. Ông Huỳnh Quang Hưng – chủ tịch UBND TP Phú Quốc – cho biết toàn đảo mỗi ngày phát sinh 200 tấn rác, chủ yếu tập kết tạm về bãi rác Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương). “Nơi này rác cũng đã nhiều thành núi. Vấn đề xử lý rác thải ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người dân, du khách đều bức xúc”, ông Hưng nói.
Tại Bến Tre, năm 2018 tỉnh này đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác rộng 4ha, tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng. Sau đó, bãi rác này để xảy ra ô nhiễm, xử lý không đúng tiêu chuẩn và tồn đọng 100.000 tấn rác. Tháng 7-2022, UBND tỉnh Bến Tre ra lệnh buộc đóng cửa, xử phạt 510 triệu đồng và yêu cầu xử lý hết số rác tồn đọng.
Dự án xây dựng nhà máy đốt rác tại xã Long Chánh (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) dự kiến có công suất 200 tấn rác/ngày đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, nhưng dự án phải dừng do vướng các tiêu chí về diện tích, khoảng cách với khu dân cư, quy hoạch sử dụng đất…
Tỉnh Vĩnh Long từng có nhà máy xử lý rác công nghệ châu Âu, công suất xử lý 200-300 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, nhà máy 200 tỉ đồng này chỉ cầm cự được khoảng nửa năm rồi đóng cửa. Tháng 9-2016, nhà máy hoạt động lại và chuyển sang phương án đốt.
Nhưng sau đó lại ngưng vì tiền thu từ xử lý rác không đủ chi phí vận hành. Ông Lữ Quang Ngời – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – cho biết chậm nhất trong quý 2 năm 2023 sẽ có nhà đầu tư mới.
Tỉnh An Giang cũng đang tính phương án kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác có công suất 200 tấn/ngày tại xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân và nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày tại khu liên hợp xử lý rác thải cụm Long Xuyên.
Ông Huỳnh Quang Hưng cũng khẳng định: “UBND TP đã lập hồ sơ đấu thầu, mời thầu xử lý bãi rác tạm ở Đồng Cây Sao. Hiện đã có nhà thầu trúng thầu với số tiền khoảng 55 tỉ đồng, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ xử lý bãi rác tạm”.
Giải pháp nào?
Tuy nhiên, câu chuyện về quản lý rác thải sinh hoạt không chỉ dừng lại ở việc đầu tư nhà máy xử lý rác thải mà bao gồm rất nhiều yếu tố. Một vài yếu tố chính quan trọng như sau:
- Giảm thiểu lượng rác thải tại nguồn
- Thu gom và vận chuyển chất thải
- Phân loại và tái chế chất thải (tận dụng được nguồn tài nguyên rác thải)
- Lựa chọn công nghệ lò đốt và kiểm soát chất thải từ nhà máy
- Đội ngũ vận hành lò đốt cần được đào tạo về kỹ thuật.
Tham khảo báo Tuổi trẻ