Hàng trăm triệu người ở miền Bắc Ấn Độ đã đón chào bình minh sáng 15/11 với không khí độc hại sau Diwali – lễ hội ánh sáng của người Hindu sau khi nhiều người bất chấp lệnh cấm sử dụng pháo để mừng lễ hội.
Mọi người xem pháo nổ trong lễ hội Diwali ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 14/11/2020. Ảnh: Reuters
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ bị bao phủ bởi một lớp khói mù dày đặc, với mức độ ô nhiễm trung bình gấp 9 lần mức độ an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thống đốc New Delhi, ông Arvind Kejriwal đã cấm sử dụng và bán pháo trước lễ hội Diwali, nhưng chính sách này rất khó thực hiện. Nhiều người ở thủ đô đã đốt một lượng lớn pháo hoa vào sáng 15/11, khiến người dân và các nhà bảo vệ môi trường tức giận và phản ánh trên mạng xã hội về tình trạng khó thở và cay mắt.
Một số người cho rằng, pháo nổ như một phần thiết yếu của truyền thống tôn giáo được hàng triệu người trên khắp đất nước tôn vinh.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi thường trầm trọng hơn vào tháng 10 và tháng 11 do việc đốt chất thải nông nghiệp, nhà máy nhiệt điện than, giao thông và những ngày không có gió.
Đại dịch COVID-19 đang hoành hành, với hơn 400.000 ca nhiễm ở thành phố New Delhi 20 triệu dân. Tình trạng này cũng đã nâng cao mức báo động về không khí ô nhiễm. Các bác sĩ đã cảnh báo về sự gia tăng mạnh của các bệnh về đường hô hấp.
Theo chính phủ Ấn Độ, các thành phố ở các bang Punjab, Uttar Pradesh, Haryana, Bihar và New Delhi – vốn đã phải hứng chịu tình trạng không khí tồi tệ nhất trên thế giới – đã chứng kiến mức độ ô nhiễm thậm chí còn cao hơn buổi sáng sau Diwali năm ngoái.
Dữ liệu từ Ban Kiểm soát ô nhiễm Trung ương Ấn Độ cho thấy, trung bình các chỉ số chất lượng không khí tại các địa điểm khác nhau trong các thành phố lớn ở các bang này đều cao hơn năm ngoái.
Tổng hợp từ Reuters
Để lại bình luận