ĐBSCL sau vụ mùa lượng rơm rải trên đồng rất lớn, một phần lượng rơm được bà con thu gom làm nấm rơm, còn phần nhiều bà con đem đi đốt bỏ lấy làm tro. Điều này không những làm lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn tác động xấu đến hiệu quả sản xuất trong các vụ tiếp theo của nông dân.
Việc đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng sẽ làm tiêu diệt vi sinh vật có lợi, làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, lượng rơm và gốc rạ còn lại trên ruộng do thời gian chuyển vụ rất ngắn. Trong trường hợp này, rơm rạ không kịp phân hủy để cung cấp dinh dưỡng cho cây, và sự phân hủy hữu cơ không triệt để, khi gặp nắng nóng tạo ra các chất độc H2S, CH4 làm cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ. Khi cây lúa bị ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy rơm rạ kéo dài sau khi vùi thường sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thấp.
Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, chuyển giao mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Emuniv đang mang lại hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Emuniv giúp phân giải nhanh rơm rạ thành mùn, chống ngộ độc hữu cơ cho cây, cân bằng độ pH đất, cải thiện hệ vi sinh vật, ức chế và tiêu diệt nấm bệnh trong đất.
Những mô hình này không chỉ giúp người canh tác lúa nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế mà lợi ích hết sức quan trọng nữa là giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm rạ sau thu hoạch. Bên cạnh đó, mô hình cũng giúp hạn chế việc lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, tận dụng được nguồn hữu cơ sẵn có tại ruộng để cải tạo đất trồng.
Giảm 50% sử dụng thuốc BVTV
Hơn 4 năm qua, ông Huỳnh Trung Thu ở xã Ða Phước, huyện An Phú (An Giang) được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ đã sử dụng chế phẩm vi sinh Emuniv để xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng giúp tạo nguồn phân bón hữu cơ nuôi dưỡng cây lúa. Qua 9 vụ triển khai trên diện tích khoảng 15ha lúa đã cho thấy hiệu quả mang lại rất tốt, giúp nông dân có thể giảm mạnh lượng sử dụng các loại phân bón vô cơ từ hơn 50 kg/công (1.000m2), xuống chỉ còn 35 kg/công.
Những ruộng có xử lý rơm rạ bằng vi sinh tại đồng ruộng, khi canh tác trong mùa vụ sẽ thấy rõ nhất là có nguồn phân hữu cơ phục vụ lại cho sản xuất lúa. Từ đó giúp giảm mạnh lượng phân bón, thuốc BVTV từ 30 – 50%. Lúa luôn xanh tốt, có bộ lá đồng vàng chanh, ít sâu bệnh, lúa cứng cây, ít bị muỗi hành phá hại hơn hẳn so với ruộng đối chứng trên cùng một chủ ruộng.
Từ khi sử dụng Emuniv xử lý rơm rạ, năng suất lúa tăng lên 5 – 10%, trong khi đó chi phí đầu tư giảm hơn trước khá nhiều, nhẹ công chăm sóc vì cây lúa xanh lâu hơn ruộng đối chứng, đẻ nhánh khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV…”, ông Thu nói.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết: Hàng năm toàn tỉnh sản xuất trên 600.000ha lúa, sau thu hoạch sẽ cho ra lượng rơm rất lớn. Sau mỗi vụ gặt lúa, rơm rạ thường được nông dân xử lý bằng cách đốt, để tại ruộng và cày vùi, một phần bị vứt bỏ ngoài mương máng làm ách tắc dòng chảy.
Đốt rơm rạ gây lãng phí nguồn phân bón hữu cơ từ rơm, gốc rạ, tiêu diệt vi sinh vật có ích làm thoái hóa đất. Mặt khác, do áp lực thời vụ và thời gian làm đất ngắn, nếu không xử lý tốt, rơm rạ sẽ không kịp phân hủy, cây lúa trong vụ mùa dễ bị nghẹt rễ, vàng lá làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Cũng theo ông Hiền, hàm lượng phân bón chứa trong rơm rạ là rất lớn. Do vậy, nếu lượng rơm rạ được xử lý bằng men vi sinh sẽ đem lại hiệu quả kép, cung cấp cho cây trồng một lượng lớn phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV gây tác hại tới môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người.
Tóm tắt
Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam