Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành than đã đẩy mạnh đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên khoáng sản và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới kinh tế “xanh” bền vững là mục tiêu chiến lược của Quảng Ninh đang kiên trì theo đuổi. Đồng hành với mục tiêu của tỉnh, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) đang thực hiện nhiều giải pháp để hiện thực hóa mô hình tăng trưởng này.
Hệ thống bốc rót than tự động tại cảng Cửa Ông (TP.Cẩm Phả)
Phát triển “xanh” đang là xu thế tất yếu, bởi vậy giai đoạn 2016 – 2020, ngành than đã chi 4.800 tỉ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm bụi, tiếng ồn, đổi mới công nghệ khai thác theo hướng thân thiện với môi trường. Điển hình, năm 2019 TKV đã hoàn thành các công trình trong Đề án bảo đảm môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2016 – 2020); trồng cây phủ xanh hơn 1.000 ha bãi thải; lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Cùng với đó, TKV đã đầu tư đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất hơn 120 triệu m³/năm, bảo đảm toàn bộ nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn; di chuyển nhiều phân xưởng, nhà máy sản xuất than ra khỏi các trung tâm, góp phần cải thiện môi trường cảnh quan và phát triển đô thị của vùng mỏ. Giữa năm 2019, TKV đã chấm dứt hoạt động Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng (rộng gần 33 ha).
Để thực hiện việc di dời theo đúng tiến độ, TKV đã đầu tư 1.600 tỉ đồng vào Trung tâm Chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai; nạo vét luồng cảng Làng Khánh phục vụ việc di chuyển vị trí sản xuất mới. Giai đoạn 1, TKV xây dựng trạm sàng công suất 2,5 triệu tấn than/năm; hệ thống kho than nguyên khai sức chứa 48.000 tấn; hệ thống băng tải kín vận chuyển than từ các mỏ Hà Lầm, Hòn Gai về trung tâm. Việc di chuyển thành công Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng giúp TKV xử lý dứt điểm bài toán môi trường bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến đô thị xung quanh và vịnh Hạ Long.
Đặc biệt, trong bối cảnh khai thác ngày càng xuống sâu, các đơn vị trong tập đoàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác than hầm lò; đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa áp dụng ở nhiều diện sản xuất khác nhau. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty than Khe Chàm (năm 2015), đến nay, TKV đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại nhiều đơn vị như Hà Lầm, Vàng Danh, Khe Chàm… Các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2 – 5 lần so với lò chợ bình thường. Bình quân mỗi năm, sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11 – 14% tổng sản lượng than hầm lò.
Đối với các mỏ lộ thiên, giai đoạn 2015 – 2020 TKV đã đầu tư nhiều chủng loại ô tô chở đất, đá tải trọng đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá để giảm giá thành, chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Với việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và đồng bộ thiết bị công suất lớn đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò của TKV từ 23,5% xuống còn 20% và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống còn 4,3%; năng suất lao động toàn tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm.
Nguồn Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam
Để lại bình luận