Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Climate Dynamics, ô nhiễm không khí có thể gây ra lũ lụt và lở đất dữ dội hơn .
Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Sa mạc đã phân tích dữ liệu vệ tinh từ năm 2002 đến năm 2017 từ Nepal và tây bắc Ấn Độ để tìm hiểu tác động khí quyển của các sol khí lên các đặc tính của đám mây, lượng mưa và độ cao mức đóng băng trên các sườn núi phía nam và chân núi lân cận (SSFH) của dãy núi Himalayas trong mùa gió mùa hè Ấn Độ.
Sol khí bao gồm bụi và các chất ô nhiễm nhân tạo từ các nguồn như xe cộ và công trường xây dựng. Theo các nhà nghiên cứu, những sol khí này có thể ngăn chặn ánh sáng mặt trời và bức xạ đến trái đất.
Các phân tích tương quan không gian của độ sâu quang học AOD hàng ngày với các đặc tính của mây và lượng mưa trong các năm có gió mùa ẩm ướt và năm gió mùa khô hạn cho thấy mối liên hệ tích cực của nồng độ sol khí cao hơn với sự phát triển theo chiều dọc của mây và lượng mưa.
Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vào những ngày có lượng sol khí cực lớn trong khí quyển, điểm đóng băng cao hơn 136,82 mét.
Điểm đóng băng tăng cao có thể dẫn đến lượng mưa ở những khu vực lẽ ra phải có tuyết rơi, và điều này có thể đẩy nhanh tốc độ tan chảy của sông băng.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng aerosol ảnh hưởng đến cường độ và lượng mưa.
Vào những ngày ô nhiễm nhất, lượng mưa đã tăng lên 1,28mm – các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng cường độ mưa gia tăng này có thể gây ra lũ lụt và lở đất dữ dội hơn.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng tác động của ô nhiễm không khí cần được thảo luận ngoài tác động tức thời của nó đối với sức khỏe con người.
Pramod Adhikari, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: ‘Các sol khí tỏa ra từ xe cộ và nhà máy, khói bụi, công trường xây dựng, hay thậm chí là cháy rừng đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
‘Nhưng những chất ô nhiễm này cũng có thể làm thay đổi mô hình lượng mưa, làm tăng sự tan chảy của băng tuyết như các hiệu ứng xếp tầng. Vì những lý do này, việc phát thải các chất ô nhiễm cần được kiểm soát tại các nguồn của chúng. Các biện pháp phải được áp dụng để giảm thiểu các nguồn ô nhiễm, nếu không kiểm soát được hoàn toàn chúng, hậu quả có thể là rất lớn”.
Theo Air quality news
Để lại bình luận