Với đề án hạn chế phương tiện cá nhân, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng Đoàn giám sát của Ban Đô thị đề nghị Sở GT-VT nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp, không đợi đến khi đủ tỉ lệ giao thông công cộng mới làm mà có thể làm theo phân vùng.
Sáng 21/3, Đoàn giám sát của Ban Đô thị của HĐND TP Hà Nội đã tiến hành làm việc với Tổng công ty vận tải Hà Nội và khảo sát thực tế tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội 3301S về tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn TP.
Ban Đô thị đã mời chuyên gia về lĩnh vực môi trường tham gia cùng Đoàn giám sát gồm: PGS-TS. Hoàng Anh Lê, Trường Đại học KHXH&NV-Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS-TS. Lý Bích Thủy, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường-Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đề xuất cơ chế bù giá khi chuyển sang xe buýt điện
Theo báo cáo của Sở GV-VT với Đoàn giám sát, tính đến ngày 14/2/2023 đơn vị quản lý tổng số 7.860.151 phương tiện (trong đó: 1.073.518 ôtô, 6.602.162 mô tô, 184.471 xe máy điện).
Về giải pháp quản lý phát thải của phương tiện tham gia giao thông để giảm ô nhiễm môi trường nhằm phát triển giao thông bền vững, Sở GT-VT đưa ra giải pháp phát triển giao thông vận tải Thủ đô theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính; xây dựng cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí, tránh ùn tắc cục bộ nhất là trong khu vực nội đô và quy hoạch các vùng lõi được phép lưu thông các phương tiện để tiến tới hạn chế và cấm phương tiện cá nhân.
Tính đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 154 tuyến (132 tuyến buýt có trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyên buýt kế cận và 2 tuyến city tour). Mở mới 11 tuyến xe buýt; Tuyến đường sắt 2A Cát Linh – Hà Đông với tổng lượt xe thực hiện ước đạt 69.058 lượt, vận chuyển ước đạt 7,3 triệu lượt hành khách.
Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 510/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,4%); 65/75 bệnh viện đạt 87%; tiếp cận 100% khu công nghiệp lớn (27/27 khu công nghiệp); 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề (đạt 95,8%); 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%, kết nối với 6 tỉnh – thành lân cận.
Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021 (trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách tăng 72% so với cùng kỳ 2021).
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở GT-VT đã tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực vận tải. Lập Tổ công tác chuyên đề phối hợp với chính quyền địa phương, cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp đổ trộm đất, phế thải, các trường hợp lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường giao thông; Phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra công tác đăng kiểm xe cơ giới đường bộ; xử lý các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn khi thải khi tham gia giao thông…
Báo cáo với Đoàn giám sát về công tác quản lý vận hành xe buýt và kế hoạch thay thế phương tiện, Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho biết: Cùng với việc phát triển mạng lưới, kết nối, mở rộng vùng phục vụ của hệ thống các tuyến xe buýt đến tất cả các huyện ngoại thành, Tổng Công ty đã nâng cao chất lượng đoàn phương tiện, chất lượng dịch vụ. Tất cả các phương tiện sử dụng trên 10 năm đều được thay thế đúng thời hạn và tuân thủ đúng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải. Giai đoạn từ 2016 đến nay, Tổng Công ty đã tập trung nguồn lực đầu tư thay mới trên 600 xe buýt tiêu chuẩn khí thải EURO 4.
Hiện nay Đoàn phương tiện xe buýt Tổng Công ty khoảng 1.100 xe buýt các loại, với tuổi phương tiện bình quân khoảng 5 năm (niên hạn sử dụng theo quy định chung là 20 năm nhưng xe buýt của TP chỉ được chạy đến 10 năm theo Hợp đồng thầu), tiêu chuẩn khí thải từ EURO 3, EURO4, trong đó phương tiện áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 4 chiếm khoảng 56% đoàn phương tiện. Tất cả các phương tiện đều được theo dõi, quản lý và thực hiện đăng kiểm đúng thời hạn quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở GT-VT cho biết, hiện nay tỷ lệ đáp ứng nhu cầu của vận tải hành khách công cộng còn thấp, chưa đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Sản lượng và doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong 9 tháng đầu năm 2022 đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên chưa đạt được như kỳ vọng do tiếp tục chịu tác động của dịch Covid-19; Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông dịch vụ hỗ trợ cho các loại hình vận tải hành khách chưa được quan tâm đúng mức; Việc kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng còn hạn chế (tính liên kết về điểm dừng đón trả khách, phương tiện khối lượng lớn với khối lượng nhỏ…).
Còn theo đại diện Tổng Công ty vận tải Hà Nội, qua rà soát, khi đấu thầu lại các tuyến từ năm 2025, tất cả các phương tiện của Tổng Công ty đều còn thời gian khai thác dưới 10 năm và sẽ được thay thế sau khi đấu thầu lại 2-3 năm. Bên cạnh đó, có một số tuyến sẽ thay thế phương tiện mới từ 1-2 năm ngay trước năm đấu thầu lại vào năm 2025. Nếu chuyển ngay sang xe buýt điện thay thế các phương tiện vẫn còn thời gian khấu hao xe theo quy định của TP khi đấu thầu lại mà không có phương án khai thác tiếp số phương tiện này sẽ bị lãng phí. Vì vậy, Tổng Công ty đề xuất TP và Sở GT-VT xem xét chỉ đạo phương án xử lý đối với số phương tiện thay ra có thời gian sử dụng dưới 10 năm để các đơn vị vận tải thu hồi vốn đầu tư.
Theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, lộ trình đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Việc chuyển dần sang vận hành phương tiện năng lượng sạch là phù hợp với xu hướng chung nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt là chi phí đầu tư cao.
“Hiện nay, TP chưa ban hành đơn giá, định mức chính thức mà tạm áp dụng thí điểm. Nếu TP có cơ chế bù chi phí đơn giá phương tiện giữa xe buýt diesel và xe buýt điện thì Tổng Công ty sẵn sàng tham gia vận hành xe buýt điện”, đại diện Tổng Công ty vận tải Hà Nội đề xuất.
Không chờ đủ phương tiện công cộng mới hạn chế phương tiện cá nhân?
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị các Sở GT-VT làm rõ quá trình thực hiện đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực; Hiệu quả của các biện pháp trong Nghị quyết 04 và Nghị quyết 07 của HĐND; giải pháp trọng tâm, căn cơ lâu dài để giảm phát sinh khí thải giao thông gây ô nhiễm môi trường ở một số quận nội đô…
Sau khi đại diện Sở GT-VT, TN&MT cùng một số đơn vị làm rõ thêm một số nội dung Đoàn giám sát yêu cầu, kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Đô thị Đàm Văn Huân ghi nhận Tổng Công ty vận tải Hà Nội, Sở GT-VT đã quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí trong giao thông. Thống nhất với báo cáo mà các đơn vị đã nêu, Trưởng Ban Đô thị cho biết: HĐND TP sẽ giám sát đi đến tận cùng vấn đề này để tìm ra giải pháp để khắc phục tồn tại và có chính sách tiếp theo nhằm đạt tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và các Chương trình của Thành ủy.
Theo Đoàn giám sát, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội chung của TP, ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Hiện không khí ô nhiễm ảnh hưởng phần lớn do xe máy, HĐND TP cũng có nghị quyết với lộ trình đến 2030 không còn xe máy lưu hành ở khu vực nội thành. Thực hiện tốt nội dung 2 Nghị quyết 04 và Nghị quyết 07 của HĐND thì mới thực hiện tốt chính sách này.
Với đề án hạn chế phương tiện cá nhân, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng Đoàn giám sát đề nghị Sở GT-VT nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp, không đợi đến khi đủ tỉ lệ giao thông công cộng mới làm mà có thể làm theo phân vùng.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở GT-VT tiếp tục đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện tốt vấn đề quản lý ô nhiễm không khí liên quan đến phương tiện giao thông; Đề nghị Tổng Công ty vận tải tiếp tục hoàn thiện báo cáo, quan tâm đến đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp để đảm bảo giao thông, môi trường-đặc biệt với chủ trương đưa phương tiện công cộng chạy bằng năng lượng điện.
Nguồn Kinh tế & Đô thị