Khói cháy rừng và khói xe cộ khiến số người mắc các bệnh về da tăng đột biến.
Tháng Sáu năm ngoái, một loạt vụ cháy rừng tàn khốc đã tàn phá Quebec (Canada), sinh ra những cuộn khói khổng lồ bay khắp Bắc Mỹ. Cách đó 300 dặm ở Boston, bác sĩ da liễu Shadi Kourosh – giám đốc y tế cộng đồng tại khoa da liễu thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, đồng thời là trợ lý giáo sư tại Trường Y Harvard – nhận thấy có điều gì đó kỳ lạ. “Chúng tôi nhận thấy số lượt bệnh nhân đến khám da liễu tăng đột biến”, BS Kourosh cho biết:
Bệnh nhân thường có xu hướng bị chàm (eczema) hoặc ngứa da nhiều vào mùa đông nhưng nay nhiều người lại đến phòng khám của bà vào giữa mùa hè. Giống như New York, Detroit và các thành phố khác ở miền bắc Hoa Kỳ, Boston ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí cao hơn mức trung bình do cháy rừng. Kourosh nghi ngờ đây là tác nhân ảnh hưởng đến da của mọi người.
Để chứng minh điều đó, nhóm nghiên cứu của bà đã thu thập dữ liệu về mức độ bụi trong không khí và carbon monoxide ở Boston trong vòng 5 năm từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ rồi đối chiếu nó với hồ sơ bệnh nhân ẩn danh của hệ thống bệnh viện Mass General Brigham – nhóm bệnh viện lớn nhất ở Massachusetts.
Họ đã tìm thấy mối tương quan giữa mức độ ô nhiễm không khí và số lượt đến bệnh viện vì viêm da dị ứng – dạng phổ biến nhất của bệnh chàm. Tháng 6/2022, tại Boston, nồng độ carbon monoxide ở mức dưới 0,2 phần triệu và số lượt đến phòng khám vì bệnh viêm da dị ứng và các dạng khác của bệnh chàm ở mức dưới 20. Tháng 6/2023, khi những đợt cháy rừng diễn ra, nồng độ carbon monoxide cao hơn gấp ba lần, ở mức 0,6 phần triệu, số lượt khám da liễu đã tăng lên 160. Nhóm nghiên cứu đã công bố những kết quả này trên Dermatology and Therapy.
Không chỉ những đợt thảm họa như cháy rừng mà cả các yếu tố ô nhiễm thường nhật như khí thải từ xe cộ và ngành công nghiệp cũng ảnh hưởng đến tình trạng da. Vào năm 2021, các nhà khoa học ở Trung Quốc đã tìm thấy mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm không khí và các tình trạng như bệnh chàm ở trẻ em tại Quảng Châu.
“Rất nhiều thành phần ô nhiễm trong không khí gây kích ứng da. Khi tiếp xúc, chúng có thể gây viêm nhiễm và khiến da lão hóa nhanh hơn”, BS Kourosh giải thích. “Những người mắc bệnh chàm – một loại viêm da cơ địa – thường có ‘hàng rào’ bảo vệ da yếu và dễ bị tổn thương hơn, do đó các chất ô nhiễm dễ bề xâm nhập sâu hơn và kích hoạt hệ thống miễn dịch”. Điều này khiến số lượng người mắc bệnh trái mùa tăng lên.
Dẫn đến các loại bệnh khác
Ô nhiễm không khí liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe – từ hen suyễn, ung thư phổi đến tiểu đường và béo phì. Trong bối cảnh đó, những bệnh lý về da lại trở thành một vấn đề có phần tầm thường. Trên thực tế, nó cực kỳ quan trọng. Hơn 99% dân số thế giới sống ở những nơi có mức độ ô nhiễm vượt quá khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và các tình trạng da nghiêm trọng như viêm da dị ứng có thể khiến cơ thể bị suy nhược nghiêm trọng.
“Đúng, nó không giết chết ai, nhưng nếu tình trạng bệnh của bạn nghiêm trọng, nó sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên khó chịu”, ông Carsten Flohr thuộc Hiệp hội bác sĩ da liễu Anh cho biết. “Nếu bạn mắc bệnh chàm từ khi còn nhỏ, bạn có thể bị rối loạn giấc ngủ – đó là một hình thức tra tấn. Bạn khó có thể thích ứng với nó, bạn thường xuyên lo lắng, trầm cảm, xa lánh xã hội.”
Viêm da dị ứng có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến dị ứng thực phẩm và hen suyễn (nhiều nghiên cứu đã cho thấy bệnh nhân bắt đầu biểu hiện bằng viêm da cơ địa, sau đó mắc thêm các bệnh khác trong nhóm vào các giai đoạn sau của cuộc đời). Người ta cho rằng ô nhiễm không khí có thể khiến con người nhạy cảm hơn với các chất gây dị ứng khác bằng cách đặt hệ thống miễn dịch vào trạng thái cảnh giác cao độ. “Ô nhiễm không khí giống như chất xúc tác trong phản ứng hóa học”, Flohr giải thích.
Trường hợp lý tưởng nhất là bạn sống ở một trang trại trong lành ở vùng núi Alps của Thụy Sĩ hoặc Áo. Song không phải ai cũng có điều kiện chuyển đến sống ở các khu vực khác. Vậy những người sống ở các thành phố bị ô nhiễm hoặc những khu vực dễ tiếp xúc với khói từ đám cháy rừng có thể làm gì để tự bảo vệ mình? Trong đợt cháy rừng năm 2023, giới chức thành phố New York khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và đeo khẩu trang để tránh các triệu chứng hô hấp do khói gây ra. Lời khuyên tương tự cũng được áp dụng cho da. “Khẩu trang, quần áo che tay và chân có thể hữu ích nếu bạn đang ở khu vực bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm không khí bất thường”, Kourosh chia sẻ.
Trong đời sống thường nhật, bà khuyến nghị mọi người nên sử dụng máy lọc không khí trong nhà và sử dụng kem chống nắng khoáng chất có chứa kẽm hoặc titan, những chất này tạo ra lớp rào cản vật lý khiến các chất ô nhiễm trong không khí khó tiếp xúc trực tiếp với da hơn. Theo bà, điều quan trọng là mọi người phải có thói quen làm sạch da. “Bạn làm sạch da vào ban đêm, sau đó thoa một loại kem dưỡng ẩm không gây kích ứng, không có mùi thơm, để hồi phục hàng rào bảo vệ da qua đêm.”
Ngoài ra, bà Kourosh, người có nền tảng về y tế công cộng, đang kêu gọi chính phủ các nước giải quyết ô nhiễm không khí ở khu vực thành thị bằng cách áp dụng các chính sách giao thông xanh và thực hiện các bước để giảm thiểu các sự kiện thảm hoạ như cháy rừng – vốn ngày càng nghiêm trọng hơn khi thế giới nóng lên. “Sau tất cả, phát hiện của chúng tôi không chỉ về da, mà đó còn là tác động của biến đối khí hậu đối với toàn bộ sức khoẻ con người”, bà kết luận.
Tham khảo: Air Pollution Is Ruining Your Skin, The Burden of Air Pollution on Skin Health: a Brief Report and Call to Action