Khi các biện pháp ngăn chặn Covid19 đồng loạt được thực hiện tại nhiều quốc gia như dãn cách xã hội và phong tỏa đã dẫn đến việc mức độ ô nhiễm không khí giảm xuống mức chưa từng thấy trên khắp thế giới.
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ IQAir – một công ty công nghệ và thông tin chất lượng không khí toàn cầu – đã nghiên cứu 10 thành phố lớn trên thế giới có số lượng ca nhiễm Covid tương đối cao và đã thực hiện lệnh phong tỏa. Báo cáo được phát hành đúng ngày kỷ niệm 50 năm ngày Trái đất, năm nay có chủ đề hành động vì khí hậu.
Nghiên cứu đã so sánh mức độ của bụi mịn PM2.5 trước và trong thời gian 3 tuần thực hiện lệnh phong tỏa chặt chẽ nhất, riêng thành phố Vũ Hán đã cách ly được 10 tuần. PM2.5 là chất gây ô nhiễm, đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, được coi là đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể đâm sâu vào phổi và đi vào các cơ quan khác và dòng máu, gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe.
7 trong số 10 thành phố được nghiên cứu, bao gồm New Delhi, Seoul, Vũ Hán và Mumbai – những nơi đạt mức ô nhiễm cao trong lịch sử đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể về chất lượng không khí.
Bầu trời New Delhi, Ấn độ trước và trong thời gian phong tỏa
New Delhi, thủ đô của Ấn Độ – một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới – đã giảm 60% nồng độ PM2.5 trong khoảng thời gian từ 23/3 – 13/4 so với cùng kỳ năm 2019. Vào ngày 25/3, Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ nhà máy, chợ, cửa hàng, nơi thờ cúng và đình chỉ hầu hết các dịch vụ giao thông công cộng, kéo dài đến ngày 3/5.
Trong khi đó, thủ đô Seoul của Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 54% PM2.5 từ ngày 26/ 2 đến 18/3 so với năm trước. Hàn Quốc được xếp hạng là một trong số những quốc gia có chất lượng không khí tồi tệ nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với mức độ ô nhiễm bụi cao nhất.
Và thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi lần đầu tiên xác định được loại virus chết người này, đã chứng kiến mức giảm ô nhiễm không khí giảm 44% từ ngày 26/ 2 đến 18/ 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành phố 11 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc của miền trung Trung Quốc là thành phố đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa hoàn toàn sau khi chính quyền Trung Quốc đấu tranh để ngăn chặn sự lây lan của virus corona – một động thái chưa từng có vào thời điểm đó.
Trong suốt quá trình đóng cửa 10 tuần của Vũ Hán, nồng độ PM2.5 trung bình đã giảm từ 63,2 µg/m3 (tháng 2/2019) xuống còn 36,8 µg/m3 vào tháng 2/2020 và 43,9 µg/m3 tháng 3/2019 xuống 32,9 µg/m3 trong cùng tháng năm nay.
Ở các thành phố lớn khác trên thế giới, không khí cũng sạch hơn. Los Angeles đã chứng kiến đợt không khí sạch kéo dài nhất trong lịch sử, trong vòng 18 ngày từ ngày 7-28/3. Nồng độ PM2,5 giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 51% so với mức trung bình của 4 năm trước đó.
Và ở châu Âu, London và Madrid đều ghi nhận mức giảm PM2.5 so với năm 2019 trong thời gian đóng cửa.
Bầu trời London trước và trong thời gian phong tỏa
Mặc dù đột nhiên đóng cửa tất cả các nhà máy và hạn chế giao thông đem lại hiệu quả tức thời nhưng nó không phải là giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, các nhà nghiên cứu IQAir cho biết. Các giải pháp bền vững bao gồm các gói kích thích của chính phủ, sử dụng nguồn năng lượng bền vững, hạn chế nhu cầu tiêu thụ cá nhân, chọn phương thức vận chuyển sạch hơn như đi bộ và đi xe đạp; và khuyến khích nền kinh tế chia sẻ hàng hóa.
Nhung Nguyễn
Tóm tắt từ “Air pollution falls by unprecedented levels in major global cities during coronavirus lockdowns”, CNN.
Để lại bình luận