Ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trong số tất cả các nguy cơ sức khỏe, chỉ xếp sau hút thuốc và béo phì và suy dinh dưỡng. Đây là thông tin từ Báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu, do Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI) – chuyên nghiên cứu về ô nhiễm không khí và sức khỏe toàn cầu – công bố trên trang web chính thức của Viện vào sáng ngày 21/10.
Báo cáo đã chỉ ra, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời đã cộng hưởng với các bệnh như: đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi, bệnh phổi mãn tính…, góp phần gây ra hơn 6,7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới vào năm 2019. Đối với trẻ sơ sinh, hầu hết các ca tử vong đều liên quan đến các biến chứng do sinh con nhẹ cân và sinh non.
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và COVID-19, nhưng đã có bằng chứng rõ ràng về việc ô nhiễm không khí và sự gia tăng bệnh tim và phổi. Nhiều chuyên gia lo ngại việc phơi nhiễm ô nhiễm không khí ở mức cao, đặc biệt là ở các nước phía Nam và Đông Á, có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của COVID-19. Các phân tích cho thấy, số ca tử vong ở Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu, tức khoảng 2,3 triệu ca trong năm 2019. Đặc biệt, ô nhiễm không khí các quốc gia ở Nam Á bao gồm Nepal, Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ đang ở mức rất cao.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ thách thức về không khí ô nhiễm trong nhà do đốt nhiên liệu rắn. Số liệu năm 2019 cho thấy, 49% dân số thế giới – tương đương 3,8 tỷ người hít thở không khí ô nhiễm trong nhà do nấu nướng, tập trung phần lớn ở 17 quốc gia.
Nhiều quốc gia đã đưa ra bằng chứng khoa học về việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thai kỳ ảnh hưởng đến đến việc sinh con nhẹ cân và sinh non. Phân tích mới được công bố tại Báo cáo Tình trạng Không khí năm nay ước tính rằng 20% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh là do ô nhiễm không khí môi trường xung quanh và trong nhà, chủ yếu gây ra do tác động của ô nhiễm với trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non.
Ông Dan Greenbaum, Chủ tịch HEI cho biết: Ở Nam Á và châu Phi vùng cận Sahara, các hộ gia đình thường sử dụng nhiên liệu kém chất lượng, và ô nhiễm không khí phát sinh từ những nhiên liệu này là mối nguy cơ cao đe dọa sức khỏe trẻ sơ sinh. Đây là vấn đề cần được Chính phủ và ngành y tế các nước chú trọng hơn trong thời gian tới.
Theo báo điện tử tài nguyên và môi trường
Để lại bình luận