Ngày 5/11, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến nhiều tuyến đường cao tốc tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc phải đóng cửa.
Theo cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc, khói mù dày đặc đã bao trùm nhiều vùng rộng lớn tại miền Bắc nước này, với tầm nhìn tại một số nơi đã giảm xuống dưới 200m. Giới chức Bắc Kinh cho rằng nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm là do điều kiện thời tiết xấu và tình trạng ô nhiễm lan rộng trong khu vực. Ô nhiễm cũng buộc các trường học tại Bắc Kinh phải dừng các lớp thể dục cũng như các hoạt động ngoài trời.
Nhiều tuyến đường cao tốc tới các thành phố lớn, trong đó có Thượng Hải, Thiên Tân và Cáp Nhĩ Tân đã phải đóng cửa trong ngày 5/11 do tầm nhìn kém. Trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh đánh giá ô nhiễm tại đây đã lên mức có hại cho sức khỏe. Nồng độ bụi mịn PM2.5 là 220 mg/m3, vượt xa mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 15 mg/m3. Giới chức thành phố cho biết tình trạng khói mù nhiều khả năng kéo dài đến ít nhất là tối 6/11.
Cùng ngày, thủ đô New Delhi của Ấn Độ tiếp tục chìm trong khói mù độc hại sau một đêm người dân ăn mừng lễ hội ánh sáng Diwali của đạo Hindu bằng đốt pháo, bất chấp lệnh cấm bán mặt hàng này.
Tại nhiều điểm nóng, chỉ số chất lượng không khí có nồng độ PM2.5 trung bình vượt ngưỡng 400 mg/m3. Con số này cao gấp 15 lần mức giới hạn an toàn hằng ngày của WHO. Tòa án tối cao Ấn Độ đã ra lệnh cấm bán pháo tại thủ đô Delhi và chính quyền địa phương đã hối thúc người dân ăn mừng lễ Diwali mà không đốt pháo. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn cất giữ và đốt pháo khắp thành phố cho đến sáng hôm sau. Khói từ pháo kết hợp với khí thải từ công nghiệp, xe hơi và việc đốt rơm rạ khiến New Delhi và các thành phố khác của Ấn Độ chìm trong khói mù.
Tạp chí y học Lancet hồi năm ngoài cho biết chất lượng không khí kém là nguyên nhân dẫn đến 1,67 triệu ca tử vong tại Ấn Độ trong năm 2019, trong đó có gần 17.500 ca tại thủ đô New Delhi.
Theo TTXVN