Rơm rạ sau mỗi mùa thu hoạch được đốt ngay tại ruộng đã trở thành nguồn thải lớn gây ô nhiễm không khí. Nguyên nhân chính là do chi phí thu gom rơm rạ cao, tốn nhiều công sức nên nông dân lựa chọn biện pháp đốt, nhằm giải phóng đất cho mùa vụ tiếp theo.
Ngày xưa, rơm rạ vẫn được thu gom lại để trở thành chất đốt trong các hộ gia đình. Tuy nhiên, khi kinh tế khá giả, không còn nhiều hộ dân sử dụng rơm mà thay vào đó là dùng gas, dẫn đến lượng rơm rạ bị đốt ngay tại ruộng lớn hơn rất nhiều. Với tỉ lệ mỗi tấn lúa gạo sẽ có 1 tấn phụ phẩm rơm rạ, hàng năm Việt Nam sản xuất khoảng 40 – 44 tấn lúa gạo, như vậy sẽ có khoảng 40 tấn rơm rạ bị đốt, khói đốt thải trực tiếp vào không khí, gây ra ô nhiễm nặng nề.
Người dân đốt rơm rạ ngay tại ruộng, để không mất công dọn dẹp
Thành phần của khói đốt rơm rạ chủ yếu là CO2, CO, bụi mịn (PM10, PM2.5), Cacbon đen (Black Carbon), NO2, SO2,… Khói rơm rạ làm cay mắt, chảy nước mắt, kích thích phản ứng ở họng khiến cho người hít phải ho, rát họng, khó thở, buồn nôn. Ngoài ra, do điều kiện đôt thiếu oxy, sinh ra rất nhiều khí CO – là khí rất độc, làm giảm nồng độ oxy trong máu, hạn chế vận chuyền oxy đến các cơ quan quan trọng như tim và não. Nếu hít phải khí CO ở nồng độ cao có thể gây bất tỉnh hoặc tử vong.
Trên tỉnh lộ 417 đoạn từ xã Võng Xuyên về thị trấn Gạch (Phúc Thọ), khói mịt mù bao phủ, hạn chế tầm nhìn của người đi đường, cùng với đó là sự khó thở
Ở Miền Bắc có hai vụ lúa chính là vụ lúa chiêm (bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau) và vụ lúa mùa (từ cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 11). Thời điểm thu hoạch lúa vụ mùa ở miền Bắc đúng dịp điều kiện khí tượng không tốt như hay xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt hoặc trời lặng gió, bà con đốt rơm rạ sau thu hoạch trong mùa này đã gây ra tình trạng ô nhiễm đáng kể trong các thành phố có đốt rơm rạ ven đô.
Khi người dân ở ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ, một phần khói này bay vào nội thành và bị các tòa nhà cao tầng cũng như kiến trúc cảnh quan đô thị “bẫy” lại khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng hơn.
Khu đô thị bán đảo Linh Đàm chìm ngập trong làn khói bụi
Theo báo cáo kết quả quan trắc 18 ngày cuối tháng 9 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội cũng là nguyên nhân khiến không khí ô nhiễm. Trong tháng 9/2019 nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và cao hơn cùng kỳ những năm từ 2015-2019.
Trước tình trạng ô nhiễm đó, từ năm 2017 Hà Nội đã triển khai kế hoạch hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ vào năm 2020.
Vậy không đốt rơm rạ, người dân phải giải quyết mặt bằng như thế nào?
Rơm rạ là nguồn nguyên vật liệu đa dụng. Khoa học nông nghiệp ngày nay đã chỉ ra nhiều cách sử dụng rơm rạ có thể thực hiện đại trà như: làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm rơm, vùi rơm rạ vào đất để phân hủy thành dinh dưỡng, sản xuất phân bón hữu cơ, nung rơm rạ yếm khí dưới áp suất cao để tạo than sinh khối, sản xuất nhiên liệu sinh học,… Giải pháp đã có, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân không mặt mà với cách xử lý rơm rạ mà chọn đốt ngay trên cánh đồng vì sự nhanh, tiện lợi và không mất quá nhiều công sức mà các biện pháp nêu trên không có được. Mặt khác, các giải pháp xử lý rơm rạ chỉ đem lại lợi nhuận khi xử lý một lượng rất lớn rơm rạ, có quy mô như một nhà máy nên các hộ dân mỗi người có một ít rơm rạ chẳng “bõ công” làm, mạnh ai người ấy đốt để kịp có ruộng chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo. Đây quả là một thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý trong việc vận động người dân chấm dứt đốt rơm rạ sau mỗi vụ mùa.
Nhung Nguyễn
Để lại bình luận