Ô nhiễm không khí ở khu vực sân bay không chỉ tới từ sân bay mà còn tới từ giao thông với hàng loạt xe cộ đưa đón người ra vào sân bay. Để có thể quản lý ô nhiễm, bên cạnh và xung quanh sân bay đã có tới hơn chục trạm quan trắc được quản lý bơi chính sân bay lẫn chính quyền sở tại. Hàng năm, ban quản lý sân bay đều phải công bố báo cáo về chất lượng không khí cho các chất ô nhiễm cơ bản.
Tuy vậy, ô nhiễm không khí từ sân bay không chỉ có các chất ô nhiễm cơ bản. Dự án nghiên cứu về ô nhiễm không khí từ các sân bay quốc tế (của tác giả và nhóm nghiên cứu) muốn phân tích cụ thể hơn thành phần hóa học, tính chất vật lý cũng như nguồn bụi đóng góp từ sân bay. Do đó, ngoài thu bụi trên giấy lọc để mang về phòng thí nghiệm phân tích, các máy móc được sử dụng để đo phân bố kích cơ của bụi từ 14 nano-mét tới 20 micro-mét. Trước đó tôi đã có một nghiên cứu về nguồn bụi ở trung tâm London và thấy có một nguồn bụi nano tới từ phía tây thành phố (hướng sân bay Heathrow). Đo đạc trực tiếp nguồn bụi ở sân bay sẽ giúp chúng tôi có thể dự đoán được nguồn bụi này có phải từ sân bay hay không.
Sử dùng hai phương pháp phân tích dữ liệu là phân tích thừa số ma trận và phân tích cụm trên dữ liệu đo đạc được, chúng tôi đã có thể khẳng định sân bay Heathrow là một nguồn gây ô nhiễm không khí chính tới khu vực xung quanh. Sân bay đóng góp tầm trên 30% tổng số lượng các hạt bụi ở cả 2 mùa thu mẫu (hình dưới).
Cụ thể, nồng độ hạt bụi (theo số lượng) chúng đo được khoảng 20 nghìn hạt (với đường kính trên 15 nano-mét) trên một xen-ti-mét khối, gấp 3-4 lần so với nồng độ hạt bụi ở trạm nền đô thị. Thậm chí mật độ số lượng các hạt nhỏ dưới 30 nano-mét gấp tầm 10 lần! (Tuy vậy đóng góp tới nồng bụi PM2.5-theo khối lượng lại thấp vì trọng lượng các hạt nano này rất nhỏ). Ngoài ra sân bay còn là nguồn chính của khí NO2 (chiếm 20-30%). Một vấn đề ô nhiễm quan trọng khác không nằm trong nghiên cứu của chúng tôi nhưng có rất nhiều ở nghiên cứu khác đó là ô nhiễm tiếng ồn.
Bài toán kinh tế – môi trường
Kinh tế phát triển dẫn tới nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Việc mở rộng hay xây mới sân bay là không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển ở một nước đang phát triển như Việt Nam.
Tuy vậy, cũng cần tính toán những tác động về môi trường của sân bay để có thể tối ưu lợi ích kinh tế, môi trường và sức khỏe. Ngoài ra cũng có những kế hoạch quản lý nguồn ô nhiễm này, thậm chí cả nguồn ô nhiễm từ giao thông đường bộ tới sân bay.
Tài liệu tham khảo:
Sources of sub-micrometre particles near a major international airport
Theo TS. Tuân Vũ,
Chuyên gia chất lượng không khí tại nhóm nghiên cứu môi trường
Đại học Hoàng gia London, Vương quốc Anh