Theo Chỉ thị 15, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đến năm 2021 phải xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong. Nhưng theo thống kê, vẫn còn 11.000 bếp than được sử dụng, vậy Hà Nội làm thế nào để xóa bỏ được hoàn toàn? PV có cuộc trao đổi với bà Lê Thanh Thủy – Trưởng phòng Quản lý Dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Thưa bà, theo Chỉ thị 15 của UBND thành phố yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào năm 2021, đến nay kết quả thực hiện ra sao?
– Theo đánh giá cũng như theo dõi của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết quý III năm 2020, số lượng bếp than tổ ong đã xóa được đạt gần 80%. Theo số lượng thống kê, còn khoảng 11.000 bếp than tổ ong sẽ phải xóa bỏ trong thời gian tới so với khảo sát ban đầu năm 2017.
Với 11.000 bếp than tổ ong hiện còn và thời gian “về đích” không còn nhiều, liệu mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố vào năm 2021 có khả thi không, thưa bà?
– Chúng ta sẽ không thể kỳ vọng vào con số chính xác 100% được. Chúng ta phải nhìn vào nỗ lực vì cho dù có đạt được con số 100% đi nữa thì cũng có thể có tình trạng tái sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. Vì vậy tôi sẽ nghiêng về việc sự duy trì chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các quận huyện trong việc thực hiện Chỉ thị 15 này hơn là việc chúng ta tính về các con số.
Các quận huyện mặc dù tỉ lệ bếp than tổ ong không còn nhiều, như quận Hoàn Kiếm, ngay hết quý II năm 2020 đã công bố xóa hết được 100% bếp than tổ ong, nhưng cuối cùng tình trạng tái diễn vẫn diễn ra, vì thế công tác đó phải được duy trì liên tục.
Bà Lê Thanh Thủy – Trưởng phòng Quản lý Dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Trong buổi tổng kết 6 tháng đầu năm việc thực hiện Chỉ thị 15, con số bếp than tổ ong hiện còn được công bố là hơn 15.000 bếp. Đến thời điểm này, vẫn còn 11.000 bếp, con số giảm thiểu dường như ít hơn so với kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm?
– Thật ra, điều gì dễ nhất chúng ta đã làm, những người có cam kết cao đã thực hiện. Càng về cuối càng khó khăn, đó là những người còn chưa hiểu rõ, còn bảo thủ. Do đó việc vận động là cả quá trình phải làm. Càng về sau, nhiệm vụ càng gian nan hơn nhiều.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 15, những người làm công tác gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?
– Thứ nhất, về mặt nhận thức của người dân, với một lộ trình rất ngắn kể từ khi ban hành Chỉ thị phải thực hiện xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, trong khi nhận thức của người dân và thói quen sử dụng bếp than tổ ong từ thời các bà, các mẹ đã kéo dài vài chục năm, xóa bỏ, thay đổi hoàn toàn một thói quen là điều không hề dễ.
Thứ hai, liên quan đến nhận thức tác hại của bếp than tổ ong và những giá trị về mặt kinh tế mang lại. Người ta vẫn cho rằng sử dụng than là rẻ nhất nhưng lại không tính đến chi phí về mặt sức khỏe, nếu sử dụng than thì những chi phí phải trả cho những rủi ro về mặt sức khỏe còn lớn hơn như thế rất nhiều. Do đó phải thuyết phục người dân bằng những con số, những dẫn chứng khoa học về những tác hại của bếp than đến sức khỏe người dân.
Thứ ba, việc xóa bỏ bếp than tổ ong không đồng đều trên tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố, vẫn có những quận tỉ lệ bếp than còn cao, có quận tỉ lệ thấp hơn rất nhiều, có quận đã xóa bỏ hoàn toàn. Có nghĩa sự quyết tâm, quyết liệt cũng như sự vào cuộc, đề cao trách nhiệm chỉ đạo của các cấp chính quyền là điều rất quan trọng và sẽ quyết định việc Chỉ thị 15 này có thể “về đích” đến cuối năm 2021 hay không.
Tại sao có những quận huyện đến nay tỉ lệ xóa bỏ bếp than tổ ong còn thấp thưa bà?
– Chỉ thị 15 nêu rất rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, đó là trách nhiệm của quận, huyện, xã, phường, thôn, với những quận huyện còn cao, chúng tôi luôn có những buổi làm việc trực tiếp. Nhưng một khó khăn là hiện nay các quận huyện vẫn sử dụng các sáng kiến như giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị, hay công tác tuyên truyền vận động người dân từ bỏ chứ chưa dùng pháp lý ép hay xử phạt mọi người.
Thời gian tới, với việc quyết liệt hơn nữa trong sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân khi hiểu rõ việc này thì sẽ đạt được kết quả cao hơn.
Đến năm 2021, với những hộ vẫn sử dụng bếp than tổ ong thì có biện pháp hay chế tài gì để xử lý thưa bà?
– Theo Chỉ thị 15, chúng tôi đang dùng theo Nghị định 155 xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tuy nhiên nó chưa đầy đủ và chưa toàn diện. Vì vậy chúng tôi đang báo cáo UBND thành phố xây dựng quy định đặc thù của Thủ đô, trong đó nêu rõ việc tiếp tục sử dụng bếp than tổ ong sẽ có hình phạt như thế nào.
Nhưng tôi vẫn mong muốn, lựa chọn cách thuyết phục người dân thay đổi hành vi hơn là công cụ xử phạt. Và khi nguồn cầu sử dụng bếp than tổ ong giảm đi thì những cơ sở sản xuất, cung cấp giảm đi. Chúng tôi đang phối hợp với Sở Công thương, Sở LĐTBXH tìm cách giúp các cơ sở đó chuyển đổi nghề nghiệp, và khi cung không có, cầu không có thì người dân sẽ chuyển sang sử dụng hình thức khác thân thiện với môi trường hơn.
Rất cảm ơn những chia sẻ của bà!
Nguồn: Báo lao động
Để lại bình luận