Sổ tay hướng dẫn sử dụng thiết bị cảm biến giá thành thấp để đo PM2.5 được phối hợp xây dựng bởi Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cùng sự góp ý từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (US EPA) và Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Bắc (NCEM thuộc Tổng cục Môi trường Việt Nam), các nhóm/cá nhân sử dụng LCS và các chuyên gia trong lĩnh vực. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Chung tay vì Không khí Sạch” (CAfCA) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Nội dung chính của Sổ tay bao gồm các khuyến nghị kỹ thuật về lựa chọn thiết bị cảm biến chi phí thấp (LCS) cho các ứng dụng cụ thể, thiết kế chương trình đo bao gồm lựa chọn điểm đo và lắp đặt thiết bị, thời gian đo, điều kiện và lỗi; các phương pháp/quy trình để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng LCS để đo PM2.5 ở Việt Nam với các giá trị khuyến nghị cho các thông số phản ánh hiệu quả của LCS.
Tài liệu cũng đưa ra các khuyến nghị cho các bên liên quan (cơ quan chính phủ, chuyên gia, nhà phát triển LCS, người dùng cá nhân) về việc tăng cường các ứng dụng LCS và nâng cao chất lượng dữ liệu, đặc biệt là khi hiệu chuẩn LCS, hiểu về các hạn chế của LCS trước khi ứng dụng.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2018, ô nhiễm không khí từ vấn đề “vô hình” đã dần trở nên rất “hữu hình” hơn với người dân, thông qua các tin tức cập nhật và liên tục về tình hình CLKK từ nhiều trang web, ứng dụng và các kênh truyền thông. Dữ liệu từ công nghệ cảm biến đã góp phần tạo nên bức tranh hữu hình này ở Việt Nam. Các thiết bị cảm biến có kích thước nhỏ gọn, chi phí thấp, cách lắp đặt, vận hành và bảo trì tương đối đơn giản nên có thể được lắp đặt ở nhiều nơi và được nhiều người sử dụng. Nhờ đó, chỉ trong vòng 3 năm, các chỉ số chất lượng không khí tại nhiều điểm đo tại Việt Nam được cập nhật trực tiếp và liên tục qua nhiều trang web và ứng dụng, trong đó có các trang quốc tế AirVisual, AQICN, Airnow và đặc biệt trong nước như PAM Air, moitruongthudo, cem.gov.vn…
Trong bối cảnh ONKK, người dân cần được biết hiện trạng đang ô nhiễm ở mức nào, vì sao, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao, và cần làm gì. Tuy nhiên, dữ liệu chất lượng không khí ở Việt Nam thường không đầy đủ và không liên tục, ngay cả ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo tài liệu công bố gần đây của UNEP, 60% các quốc gia (tương đương 1,3 tỷ người hay 18% dân số thế giới) đang không được tiếp cận với thông tin liên tục hay báo cáo hàng năm về CLKK từ các trạm quan trắc PM2.5 mặt đất[1]. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thiếu vắng các trạm quan trắc chất lượng không khí quốc gia chưa được phủ rộng, mà LCS có thể phần nào giúp giải quyết thiếu hụt này để người dân theo dõi chất lượng không khí kịp thời hành động để bảo vệ sức khỏe trước ONKK.
Trên thế giới, để giúp người dân biết được sự hữu hình của vấn đề vô hình này, các cơ quan chính phủ, nhà khoa học và các công ty tại nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang kết hợp thêm công nghệ quan trắc sử dụng cảm biến và kỹ thuật viễn thám. Việc kết hợp phương pháp quan trắc truyền thống với tiến bộ của công nghệ mang đến cơ hội mới để hiểu và truyền đạt thông tin về CLKK. Sự tích hợp này có thể làm giảm chi phí vận hành mạng lưới và cho phép giám sát trên không gian rộng lớn hơn mà các công nghệ giám sát truyền thống khó đạt được.
Việc thiếu hụt số liệu quan trắc có thể được bù đắp phần nào bằng cách thực hiện quan trắc với LCS. Tuy nhiên, cũng cần lựa chọn và sử dụng LCS cho các mục tiêu phù hợp, bao gồm giáo dục, nâng cao nhận thức, STEM, nghiên cứu. Hiện tại ở Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá cho LCS hoặc hướng dẫn tiêu chuẩn chính thức cho các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất cảm biến và các cơ quan môi trường về việc sử dụng và các yêu cầu chất lượng cho LCS. Do đó, cuốn sổ tay này hướng tới cung cấp thông tin về sử dụng LCS đo PM2.5 dành cho những người làm khoa học cộng đồng (citizen science), các nhà sản xuất và cung cấp cảm biến, các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực chất lượng không khí, và các cơ quan quản lý môi trường cũng có thể sử dụng sổ tay này để tham khảo.
Tài liệu đầy đủ có thể tải tại đây.
Nguồn Live&Learn
[1] http://www.rrcap.ait.ac.th/apn/Documents/P17_Clean%20Air%20Measures.pdf