Mới đây, vụ rò rỉ khí Amoniac (NH3) đã xảy ra tại đường Phú Lợi, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo thông tin ban đầu, cơ quan chức năng thành phố Thủ Dầu Một vào cuộc và đã phát hiện cơ sở sản xuất nước đá trong khu vực xảy ra rò rỉ khí Amoniac. Hàng trăm người dân sống xung quanh cơ sở rò rỉ khí buộc phải sơ tán khẩn cấp tránh xa nhà máy sản xuất nước đá để bảo đảm an toàn sức khỏe.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để hiểu rõ hơn về tác hại của khí Amoniac và cách phòng tránh.
Xin Giáo sư cho biết khí Amoniac có những ảnh hưởng gì đối với cơ thể người?
Khí Amoniac là một trong những loại khí độc hại. Loại khí này thường có trong môi trường tự nhiên, từ những hoạt động sản xuất của con người: cụ thể từ khu vực trang trại chăn nuôi, từ khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, từ chế biến cao su thiên nhiên, khí thải công nghiệp sản xuất phân đạm, từ rò rỉ đường ống gas máy lạnh… Tác hại của khí này đến cơ thể con người trước hết đến đường hô hấp, đến mắt, da khi tiếp xúc. Mức độ nguy hại của khí Amoniac phụ thuộc vào nồng độ của nó trong không khí. Ở nồng độ cao từ 2000 ppm trở lên có thể nguy hiểm đến tính mạng con người, cụ thể gây ngạt thở, tiếp xúc lâu có thể gây tử vong. Ở Việt Nam chúng ta có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số thành phần khí độc hại trong không khí xung quanh QCVN 06:2009/BTNMT, trong đó giới hạn khí NH3 là 0,2 mg/m3.
Qua vụ việc rò rỉ khí Amoniac tại khu vực đông dân cư ngày 10/1 vừa qua tại Bình Dương, cần có những biện pháp nào để ngăn chặn, đề phòng rò rỉ loại khí này tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thưa ông?
Việc sử dụng khí Amoniac trong công nghiệp ngày càng nhiều do ưu điểm của nó, đặc biệt trong việc làm tác nhân làm lạnh do có nhiệt độ sôi thấp. Khí này thường được dùng trong thiết bị làm lạnh, làm nước đá… Để tránh xảy ra sự cố môi trường, rò rỉ khí khí Amoniac cần phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, giàn lạnh, thay thế khi nó đã đến hạn. Nhà xưởng trang bị hệ thống hút khí, thông gió… Đặc biệt khu vực máy lạnh cần có hệ thống quạt hút khí xung quanh và có hệ thống ứng phó sự cố rò rỉ khí Amoniac.
Giáo sư có thể cho biết việc xử lý sự cố rò rỉ Amoniac, làm sạch môi trường cần thời gian bao lâu và những biện pháp gì?
Do đặc tính của khí Amoniac nhẹ hơn không khí, dễ dàng bốc lên cao nên nhanh chóng lan truyền trong môi trường không khí xung quanh. Đặc tính nổi bật của khí này là rất nhanh hòa tan trong nước, trong không khí ẩm để tạo thành Amoni NH4OH. Chính vì vậy, khi xảy ra sự cố cần phải nhanh chóng làm thông thoáng nhà xưởng, giải pháp hữu hiệu nữa là phun nước để hòa tan khí Amoniac và sau đó có giải pháp xử lý nước chứa Amoniac. Do khí Amoniac nhẹ, dễ khuếch tán trong môi trường nên ô nhiễm khí này sẽ sớm giảm nguy hại do đã được pha loãng trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, do nó dễ dàng hòa tan trong hơi ẩm nên cuối cùng cũng chuyển sang dạng ô nhiễm khác nhưng đỡ độc hại hơn.
Những người dân sinh sống quanh khu vực rò rỉ khí Amoniac cần thực hiện những biện pháp gì để bảo vệ bản thân và gia đình, thưa ông?
Do sự cố rò rỉ khí Amoniac thường xảy ra bất ngờ, nên khó có biện pháp gì có thể ngăn chặn hiệu quả. Quan trọng nhất cơ sở sản xuất nước đá phải có giải pháp ứng phó sự cố. Còn người dân khu vực xung quanh cơ sở sản xuất phải đề phòng. Khí này thường có mùi đặc biệt, mùi khai như nước tiểu. Khi phát hiện hiện tượng này phải nhanh chóng di chuyển ra nơi khác. Ngoài ra, người dân cần đóng kín cửa phòng và bật quạt hút (nếu có), trong trường hợp đã bị tiếp xúc ngoài da cần rửa nước.
Trân trọng cảm ơn ông!