Từ năm 2017, để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ tại ruộng, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng lộ trình đưa Hà Nội trở thành thành phố không đốt rơm rạ vào năm 2020. Tuy nhiên, đã bước sang năm 2020, nhưng mục tiêu đặt ra chưa thể hoàn thành, tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra sau khi thu hoạch lúa.
Với lộ trình cụ thể, các giải pháp hỗ trợ rõ ràng, vậy tại sao Hà Nội vẫn còn tình trạng đốt rơm rạ? Cùng điểm qua một số giải pháp chính đã được chính quyền địa phương thực hiện để hỗ trợ người dân, mặt được và khó khăn của từng giải pháp.
Hỗ trợ chi phí chế phẩm sinh học Fito – Biomix – RR để xử lý rơm rạ
Năm 2017, thành phố hỗ trợ người dân 100% chi phí chế phẩm sinh học cho các hộ thí điểm mô hình “cánh đồng không đốt rơm rạ” tại huyện Đan Phượng. Năm 2018, nhân rộng mô hình “cánh đồng không đốt rơm rạ” và thực hiện “phường, xã không đốt rơm rạ” với mức hỗ trợ 50% kinh phí mua chế phẩm. Năm 2019, thực hiện mô hình “quận, huyện không đốt rơm rạ”, tổng mức hỗ trợ 40%, người dân tự chi trả 60% còn lại.
Bước đầu, ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ đã có thành công nhất định. Rơm rạ được ủ thành phân hữu cơ, trở thành phân bón cho ruộng, giúp bà con tiết kiệm được chi phí phân bón và hạn chế dùng phân hóa học.
Nhưng việc ủ rơm rạ bằng chế phẩm còn hạn chế, chưa thật thuận tiện với người nông dân. Ủ hoai mục bằng cách rải rơm tại ruộng, cần lượng nước mặt ruộng tối thiểu là 5cm, đối với những cánh đồng cao và vào vụ gặt lúa mùa khó lấy nước để thực hiện việc này. Đối với việc ủ đống, cần mặt bằng, bạt che, chưa kể chuyện đảo rơm và bổ sung nước… mất nhiều công sức nên nông dân chưa mặn mà. Mặt khác, người dân cũng không muốn mất thêm chi phí xử lý rơm rạ, nếu không có nhu cầu tận dụng, sẽ đốt bỏ rơm rạ.
Thu gom rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi, lót chuồng, trồng nấm
Việc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, lót chuồng, trồng nấm đã biến “rơm thành tiền” và giải phóng được mặt ruộng mà không cần đốt bỏ, gây ô nhiễm không khí. Tiêu biểu như hộ sản xuất nấm ở thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng của chị Phạm Thị Vân, mỗi năm thu mua khoảng 70 tấn rơm với giá 200.000-250.000 đồng/tạ. Hiện, Liên Hà có 3 hộ sản xuất nấm rơm, nấm mỡ trên diện tích 7.200m2 và một đơn vị thu mua rơm làm thức ăn chăn nuôi nên mỗi năm tiêu thụ khoảng 40% lượng rơm rạ phát sinh. Mặt hạn chế của giải pháp này là số lượng rơm rạ được tận dụng còn khiêm tốn, hầu hết chỉ được thực hiện theo quy mô nhỏ lẻ như hộ gia đình.
Kết nối các đơn vị thu mua rơm, rạ cho nông dân
Trong quá trình thực hiện lộ trình thành phố không đốt rơm rạ, huyện Đông Anh và Đan Phượng đã kết nối được 6 đơn vị thu mua rơm rạ để trồng nấm và làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Năm 2019, huyện Đông Anh đã thu mua được 3.600 tấn rơm/năm cho nông dân với giá 400 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc thu mua rơm của doanh nghiệp cũng mang tính chất chọn lọn cao, không thể thực hiện đại trà. Đại diện Công ty cổ phần Đông Thành Hà Nội Lê Văn Hiên cho biết, rơm phải được cắt cách gốc rạ 20cm, khi rơm đạt độ ẩm dưới 20%, doanh nghiệp chỉ thu mua được rơm cho bà con trong điều kiện thời tiết nắng, nếu trời mưa công ty sẽ rất khó bảo quản, nên phần nào hạn chế trong công tác thu mua…
Nhung Nguyễn
Để lại bình luận