Kỳ 3: Đồng thuận, chung tay xử lý rác thải
Bảo vệ môi trường (BVMT) là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng đến môi trường sống xanh, sạch, đẹp, tạo tiền đề cho kinh tế – xã hội các địa phương phát triển bền vững.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch
Để giải quyết căn cơ, hiệu quả, bền vững việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), ngay từ năm 2020, tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện và tổ chức hướng dẫn, triển khai các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý CTRSH. Theo đó, tỉnh chỉ đạo quy hoạch mỗi huyện một điểm xử lý rác tập trung có diện tích từ 7 – 10ha theo quy định để thu hút đầu tư xã hội hóa dự án xử lý rác thải với quy mô toàn huyện, khuyến khích xử lý rác thải tập trung quy mô liên huyện. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025, cụ thể: Hỗ trợ xây dựng đường giao thông vào nhà máy: hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung với hệ thống giao thông hiện có. Hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu của xã, phường, thị trấn: UBND cấp xã nơi đặt nhà máy xử lý rác và UBND cấp xã nơi giáp ranh liền kề nhà máy xử lý rác được hỗ trợ một khoản kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu của địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Đán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đông Hưng mới chỉ được thu gom, tập kết ra các bãi chôn lấp hoặc đốt theo công nghệ lò đốt quy mô nhỏ, đầu tư từ 5 – 10 năm, đã xuống cấp, hư hỏng nên rác không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Để rác thải sinh hoạt được xử lý triệt để, năm 2020, huyện Đông Hưng đã thực hiện các bước quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung nhằm thu hút đầu tư xã hội hóa thực hiện dự án. Theo quy hoạch, vị trí dự án đặt tại xã Đông Á, bảo đảm khoảng cách xa khu dân cư theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy cho biết: Các khu xử lý CTRSH theo công nghệ lò đốt trên địa bàn huyện đã xuống cấp, nhiều địa phương hư hỏng phải chuyển sang chôn lấp, tỷ lệ lấp đầy từ 70 – 80%, chỉ còn sử dụng được một vài năm tới. Do đó, để giải quyết những bức thiết về môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các phòng, ban liên quan tham mưu UBND huyện quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung nhằm thu hút nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao, hiện đại.
Còn theo ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương, mặc dù huyện đã quan tâm, cố gắng, thường xuyên chỉ đạo các xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác đúng quy định nhưng tại một số địa phương rác thải sinh hoạt xử lý chưa triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Huyện đã quy hoạch 2 khu xử lý rác thải tập trung nhưng việc triển khai thực hiện còn khó khăn do chưa có cơ chế thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia xử lý chất CTRSH, vừa bảo đảm môi trường vừa phục vụ tốt phát triển kinh tế – xã hội…
Đầu tư công nghệ xử lý hiện đại
Có thể thấy, thời gian qua việc xử lý CTRSH được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm, được nêu ra rất nhiều lần tại các cuộc họp. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã chỉ đạo và giao các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các dự án đốt rác phát điện cũng được tỉnh hết sức quan tâm. Bởi đây sẽ là giải pháp đột phá, không những giải quyết được vấn nạn về rác bấy lâu nay mà còn biến rác thành nguồn tài nguyên mới.
Theo đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư và tổ chức thực hiện các dự án xử lý CTRSH công nghệ cao bảo đảm đồng bộ, nhanh, hiệu quả và đúng quy định; rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm trung chuyển CTRSH để thực hiện thu nạp bảo đảm vệ sinh môi trường trước khi đưa về nhà máy xử lý. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định đối với nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (quy định cụ thể về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn và các nội dung yêu cầu BVMT có liên quan)…
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, biến rác thải thành năng lượng là công nghệ đang được áp dụng khá phổ biến tại các nước phát triển. Công nghệ này đem lại những hiệu quả vượt trội trong việc xử lý rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường với khả năng xử lý lượng rác lớn một cách triệt để. Đồng thời, tiết kiệm tối đa diện tích đất chôn lấp rác theo phương pháp truyền thống, từ đó cải thiện môi trường sống cho người dân và nâng cao cảnh quan đô thị, nông thôn. Về mặt lợi ích kinh tế đã biến rác thành nguồn tài nguyên sản xuất ra điện và tổng hợp tái chế ra sản phẩm có ích cho cuộc sống. Vì vậy, công nghệ đốt rác phát điện đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các nước có nguồn đất đai và năng lượng hạn hẹp, trong đó có Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: BVMT nông thôn là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp bền vững nên cần có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ từ nhận thức đến cơ chế, chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành yêu cầu về công nghệ bảo đảm môi trường trong đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTRSH; tham mưu xây dựng tiêu chí lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà đầu tư; đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn về BVMT theo quy định hiện hành. Cùng với đó, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương cần thường xuyên quán triệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cấp ủy, chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác BVMT; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, kêu gọi tích cực tham gia hơn nữa các hoạt động BVMT như phân loại rác tại nguồn, giảm và tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi nilon…
Cùng với các cơ chế, chính sách, giải pháp của nhà nước rất cần sự đồng thuận, tham gia của người dân. Chỉ khi đó công tác quản lý, thu gom và xử lý CTRSH khu vực nông thôn mới được giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả, bền vững.
Nguồn Báo Thái Bình