Hiện nay, mỗi ngày tỉnh Thái Bình phát sinh khoảng gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt. Phần lớn lượng rác thải này được xử lý bằng lò đốt rác công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là ở khu vực nông thôn đang là bài toán khó đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thái Bình, ngoài việc chôn lấp rác theo phương thức truyền thống, tỉnh Thái Bình đang đầu tư hơn 100 lò đốt rác thải tại 136 xã. Các lò đốt này ngoài một số thông số đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt như: bảo đảm tiêu chí về thể tích vùng đốt, thời gian lưu cháy… thì hầu hết các thông số kỹ thuật khác không đáp ứng tiêu chuẩn đề ra.
Dễ thấy nhất là chiều cao ống khói rất thấp; không có sàn thao tác lấy mẫu khí thải; hệ thống xử lý khí thải còn sơ sài; nước rỉ từ rác thải chưa được xử lý tạo nên mùi hôi thối, khó chịu, nhất là khi trời nắng nóng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho một lò đốt rác khá lớn, trong khi tuổi thọ không cao. Qua theo dõi, lò đốt rác chỉ vận hành được khoảng 2 đến 3 năm là hỏng hóc, gặp sự cố.
Để giảm thiểu các lò đốt rác gây ô nhiễm môi trường, tỉnh Thái Bình đã ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với dự án đầu tư xử lý rác thải tập trung, quy mô lớn đến năm 2025.
Trước mắt, tỉnh yêu cầu các địa phương chú trọng công tác quy hoạch, tạo quỹ đất sạch bàn giao khi có nhà đầu tư, tổ chức vận động, tuyên truyền cho nhân dân biết, đồng thuận trong giải phóng mặt bằng dự án. Cùng với đó, địa phương lựa chọn các nhà đầu tư có tâm, có tầm, có công nghệ xử lý phù hợp để xây dựng nhà máy xử lý tập trung, tiến tới giảm dần những lò đốt rác công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Nguồn Báo Nhân dân