Quy hoạch Tổng thể Quan trắc môi trường Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phải đảm bảo mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch phải đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với hệ thống quan trắc môi trường quốc gia.
Sáng ngày 21/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đối với Hồ sơ Quy hoạch Tổng thể Quan trắc môi trường Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường, lãnh đạo Sở TN&MT của 19 địa phương phía Nam và các đơn vị liên quan.
Số liệu quan trắc xác định các biện pháp BVMT
Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng dân số và nhu cầu cuộc sống, vấn đề ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí tiếp tục tăng cao… Với những vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một nhiều đòi hỏi cơ quan quản lý phải có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu để giải quyết tình trạng này. Do đó, việc nắm bắt được các thông tin, số liệu quan trắc môi trường là một trong những việc phải làm trước tiên đối với các cơ quan quản lý. Thông tin, số liệu quan trắc môi trường sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý môi trường đánh giá chính xác hiện trạng chất lượng môi trường (đất, nước, không khí, đa dạng sinh học…) tại từng khu vực, từ đó sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời. Có thể thấy rõ rằng như cầu về các thông tin, số liệu quan trắc môi trường đang ngày một lớn để phục vụ cho công tác quản lý, quan trắc môi trường với các số liệu quan trắc môi trường có thể coi là một hoạt động trọng yếu phục vụ cho công tác lập quy hoạch, xác định các biện pháp bảo vệ môi trường.
Theo đó, để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định đối với việc lập quy hoạch quốc gia riêng đối với lĩnh vực quan trắc môi trường. Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, tiếp nối các quy định trước đây tại Quyết định 16/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hoạt động quản lý dữ liệu quan trắc
Đại diện cho Ban soạn thảo, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh bảo môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050 của Quy hoạch nhằm tăng cường đầu tư, hướng tới mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục, hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục… Đồng thời nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, các mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hoạt động quản lý dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ cho hoạt động cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường
Phạm vi của Quy hoạch được giới hạn trên toàn bộ Lãnh thổ Việt Nam (bao gồm các vùng đất, vùng nước (vùng nước mặt lục địa và vùng nước biển), vùng trời, khoảng không, lòng đất thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết thêm, quy hoạch này không bao gồm các trạm quan trắc mang tính đặc thù, phục vụ riêng theo nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường
Tại hội thảo, các ý kiến đồng thuận cao với đề cương Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh ý kiến xây dựng Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bằng văn bản, các đại biểu cũng tham gia xây dựng ý kiến tại Hội nghị, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn vướng mắc, chỉ ra những khó khăn và cùng nhau thống nhất các giải pháp.
Theo ông Mai Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Thành phố Hồ Chí Minh, cần làm rõ căn cứ xác định số lượng trạm, quy mô dân số phù hợp với các nghiên cứu quốc tế; ông Tuấn cũng đề nghị cần xác định rõ việc chia sẻ dữ liệu trong cả nước, “Phần chia sẻ dữ liệu để tiết kiệm nguồn lực cần đẩy mạnh. Tuy nhiên nội dung này hiện nay đang khó thực hiện giữa các địa phương” ông Tuấn cho biết. Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề nghị đầu tư quan trắc môi trường theo hình thức đầu tư Công-Tư và tăng cường các công tác thanh kiểm tra thường xuyên hơn để tránh thất thoát, lãng phí…
Đại diện Sở TN&MT Cà Mau cho biết, hiện nay các tỉnh không có quy hoạch quan trắc riêng. Tất cả quy hoạch đều tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Do đó, với Quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia để phù hợp với Quy hoạch tỉnh thì đia phương kiến nghị cần có hướng dẫn để xây dựng cho phù hợp…
Đại diện công ty Việt An Group, các Sở TN&MT cũng có nhiều ý kiến đóng góp về xây dựng thống nhất cho một số chỉ tiêu quan trắc; Các địa phương có rất nhiều điểm quan trắc nền, tự động liên tục. Do đó kiến nghị Trung ương đầu tư nền cho các tỉnh để giảm chi phí cho địa phương; Ứng dụng công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm cho các địa phương; đối với tần suất quan trắc nên nêu rõ từng đợt để xây dựng các hoạt động tốt hơn; Mật độ quan trắc không khí, nước mặt còn thưa, do đó cần bổ sung thêm; bổ sung nội dung quan trắc tại khu vực bị xâm nhập mặn để quan trắc độ mặn…
Với những ý kiến đóng góp, đại diện của các cơ quan chuyên môn, Ban soạt thảo cũng đã làm rõ hơn để cùng nhau thống nhất các quan điểm. Bên cạnh đó, Ban soạt thảo cũng đã tiếp thu các ý kiến mới để chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung trong Quy hoạch.
Kết luận Hội thảo, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Hoàng Văn Thức mong muốn thời gian tới các đại biểu tiếp tục bổ sung để hoàn thành xây dựng Quy hoạch. Trong đó, Quy hoạch phải đảm bảo mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch trên cơ sở kế thừa quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, có sự lồng ghép giữa các lĩnh vực, có tính kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có.
Tóm tắt