Nửa thập kỷ trước, Bắc Kinh từng là thành phố thuộc nhóm ô nhiễm không khí nhất thế giới. Tính trên toàn Trung Quốc, tình trạng khói mù dày đặc xuất hiện ở 25/31 tỉnh thành, bao phủ hơn 100 thành phố lớn hoặc cấp trung, lan rộng trên diện tích 1,4 triệu km2 và ảnh hưởng đến hơn 800 triệu người.
Cuộc “khủng hoảng” khói mù này buộc chính phủ Trung Quốc khởi động “cuộc chiến tổng lực” với các biện pháp mạnh tay hơn và mang tính hệ thống, thông qua Kế hoạch hành động phòng chống ô nhiễm không khí giai đoạn 2013-2017, được ban hành vào tháng 9/2013.
Kế hoạch này đặt ra mục tiêu hàm lượng PM10 (bụi mịn đường kính 10 micromet trở xuống) tại các thành phố từ cấp địa khu trở lên phải giảm ít nhất 10% so với năm 2012, hàm lượng PM2.5 tại khu vực Kinh Tân Hà phải giảm khoảng 25%. Riêng đối với Bắc Kinh, hàm lượng PM2.5 phải giảm từ mức gần 90 xuống còn khoảng 60 microgram/m3 sau 5 năm theo kế hoạch.
Đây không phải những mục tiêu dễ đạt được. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức được công bố cuối năm 2017, Bắc Kinh dường như đã đạt được mọi mục tiêu lớn được đề ra trong kế hoạch hành động năm 2013. Ngoài việc hàm lượng PM2.5 giảm xuống còn 58 microgram/m3 (tương đương giảm 35,6% so với năm 2013), hàm lượng lưu huỳnh điôxit (SO2), nitơ điôxit (NO2), PM10 trong không khí cũng lần lượt giảm 70%, 18% và 22%.
Trung Quốc đã làm gì để thoát khỏi tình trạng ô nhiễm không khí
1. Minh bạch thông tin về ô nhiễm không khí
Năm 2013, khi tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh vượt tầm kiểm soát, Chính quyền mới thật sự hành động. Các con số, dữ liệu về ô nhiễm được đề cập thường xuyên hơn.
Các thông tin về tình trạng ô nhiễm được công bố với mức độ minh bạch chưa từng thấy. 6 tháng đầu năm 2013, chính phủ liên tục cập nhật tình hình ô nhiễm hàng giờ của 74 thành phố trên cả nước, với gần một nửa trong số đó đang có chất lượng không khí tồi tệ. Ô nhiễm trở thành chủ đề ưu tiên hàng đầu của cả quốc gia và được đề cập mỗi ngày trên mọi phương tiện truyền thông.
Mặt khác, mạng lưới theo dõi mức độ bụi mịn PM 2.5 (có đường kính 2,5 micromet trở xuống) nhanh chóng được xây dựng trên toàn quốc và dữ liệu công khai tới toàn thể người dân. Tính chính xác của thông tin được so sánh với dữ liệu đo được với máy của Đại sứ quán Mỹ. Bất cứ ai có điện thoại thông minh ở Trung Quốc đều có thể kiểm tra chất lượng không khí theo thời gian thực, biết rõ cơ sở nào đang vượt quá mức giới hạn khí thải hay báo cáo người vi phạm cho các cơ quan chức năng.
Sau Bắc Kinh lần lượt các thành phố lớn ở Trung Quốc đều cung cấp dữ liệu công khai, song từng xuất hiện nhiều trường hợp chính quyền địa phương can thiệp, bóp méo các chỉ số bằng cách đặt máy đo gần vòi nước, nơi mật độ bụi thấp hơn hay tiến hành đo tại các khu vực ít ô nhiễm hơn.
2. Người dân tham gia vào quá trình giám sát chính quyền trong hành động chống lại ô nhiễm không khí
Khi chất lượng không khí, lượng khí thải tồn tại trở thành mối quan tâm của mọi người, tiếng nói của người dân cũng dần có trọng lượng hơn. Các thị trưởng thành phố không hoàn thành nhiệm vụ hoàn toàn có thể bị người dân báo cáo lên Bộ Bảo vệ Môi trường nước này để buộc họ phải tăng cường nỗ lực.
3. Các chính sách, biện pháp của chính phủ
Tháng 3/2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường chính thức “tuyên chiến” với tình trạng ô nhiễm không khí và gọi đó là yếu tố “kìm hãm sự tăng trưởng của quốc giaHàng trăm biện pháp đã được tiến hành quyết liệt để ứng phó với cuộc “khủng hoảng môi trường” từ năm 2013:
a) Kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm tại các khu công nghiệp
Kiểm soát khí thải từ các khu công nghiệp bao gồm các biện pháp kiểm soát ô nhiễm đầu cuối, siết chặt tiêu chuẩn xả thải và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, có đến 7 trên 10 thành phố thuộc diện ô nhiễm nhất Trung Quốc “đóng đô” tại Hà Bắc. Hà Bắc chịu áp lực lớn về việc kiểm soát, giảm tải mức độ ô nhiễm. Điều này không dễ dàng thực hiện khi sản xuất thép là ngành công nghiệp trọng điểm tại khu vực này. Riêng sản lượng thép tại Hà Bắc đã vượt quá mức sản xuất của toàn bộ Liên minh châu Âu. Theo dữ liệu của chính phủ, giai đoạn 2013-2017, thời điểm cuộc chiến chống ô nhiễm được đẩy mạnh nhất, chính quyền tỉnh Hà Bắc báo cáo đã cắt giảm gần 70 triệu tấn thép. Mức độ tiêu thụ than trong tỉnh cũng chứng kiến sự cắt giảm tương tự.
b) Giảm thiểu than đá trong sinh hoạt và sưởi ấm vào mùa đông
Hàng năm Trung Quốc sử dụng trung bình khoảng 400 triệu tấn than cho mục đích sưởi ấm vào mùa đông, đóng góp một phần lớn (khoảng 40% – năm 2013) gây nên tình trạng ô nhiễm bụi mịn ở nước này.
Một số biện pháp đã được thực hiện để kiểm soát vấn đề ô nhiễm như sử dụng loại than chứa hàm lượng lưu huỳnh thấp và trang bị thêm nồi hơi than có chức năng kiểm soát quá trình khử lưu huỳnh đến chuyển đổi nhiên liệu từ than sag điện và khí đốt. Chính phủ Trung Quốc quyết tâm chuyển đổi sử dụng điện hoặc khí đốt trong các hệ thống sưởi dân sinh. Hà Nam, Bắc Kinh và Thiên Tân là ba thành phố đầu tiên được thử nghiệm chương trình với 28 thành phố được lựa chọn vào tháng 3/2017.
Tuy nhiên, việc chuyển từ than đá sang khí đốt khiến cho hàng nghìn hộ nghèo ở các vùng ngoại ô của thành phố Bắc Kinh phải chịu rét do không đủ chi phí chi trả. Trung Quốc buộc phải nới lỏng kiểm soát trước sức ép từ dư luận. Điều này không thể làm giảm quyết tâm của giới chức Trung Quốc, một kế hoạch mới được đề ra với mục tiêu trong vòng 4 năm sẽ cắt giảm được 1/3 lượng than đá sử dụng ở nông thôn.
Kết quả, theo báo cáo vào tháng 3/2019 của Bộ Môi trường Trung Quốc, kế hoạch chuyển đổi phương thức sưởi ấm từ than sang điện và khí đốt được mở rộng lên đến 35 thành phố trong năm 2018. Các chính quyền địa phương huy động thêm quỹ hoặc vận động tài trợ để trợ giá cho người dân sử dụng nhiên liệu sạch. Đã có thêm 4,8 triệu hộ dân dừng sử dụng lò sưởi bằng than đá trong năm 2018, cao hơn mức tăng 4 triệu hộ dân khi nỗ lực chuyển đổi bắt đầu vào năm 2017.
c) Kiểm soát ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông
Đối với khí thải từ xe cộ, Bắc Kinh bắt đầu với việc thắt chặt tiêu chuẩn xả thải và tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu, loại bỏ phương tiện đời cũ không đủ điều kiện lưu thông gây ô nhiễm, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng toàn diện, phát triển các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh.
Tàu điện ngầm ở Trung Quốc
Cắt giảm các phương tiện cá nhân lưu thông trên đường để khuyến khích người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng. Cụ thể, biển số xe ô tô được chia thành năm nhóm, mỗi nhóm bị cấm chạy trên một tuyến đường nhất định trong một ngày từ thứ hai đến thứ 6. Những tài xế nào cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Ngoài ra, định mức lại giá đậu xe mới. Với những xe đỗ trên lòng đường giá đậu xe rất cao, ngược lại nếu đậu xe trong bãi đỗ hoặc hầm gửi xe chi phí sẽ thấp hơn. Đối với các tuyến phố trung tâm thương mại, phí gửi xe cũng rất đắt, càng gửi lâu, phí càng cao.
Các chiến lược đi kèm nỗ lực của Trung Quốc dần đem lại kết quả tích cực. Trong 5 năm từ 2013 đến 2017, hàm lượng PM 2.5 đã giảm 35%, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
Việt Nam có thể học hỏi những gì ?
Bài học 1: Minh bạch thông tin ô nhiễm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thông tin công bố rộng rãi đồng thời gây sức ép lên chính quyền địa phương, buộc họ phải thực hiện nhiệm vụ quyết liệt hơn.
Bài học 2: Kiểm kê các nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Phải biết chính xác ô nhiễm không khí ở Việt Nam do đâu, mỗi nguồn thải đóng góp bao nhiêu phần trăm. (ví dụ, nguồn phát thải từ hoạt động đốt than sưởi ấm của người dân Trung Quốc đóng góp 40% lượng bụi mịn).
Bài học 3: Đặt ra mục tiêu cắt giảm ô nhiễm một cách chi tiết, cụ thể.
Bài học 4: Sau khi có mục tiêu rõ ràng, lập kế hoạch hành động chi tiết để thực hiện mục tiêu đó. Để thực hiện mục tiêu cắt giảm ô nhiễm không khí, cần phối hợp các Bộ, ban ngành có liên quan; có sự tham gia của các chuyên gia Quốc tế cùng các nhà khoa học. Các kế hoạch, biện pháp phải được dựa trên cơ sở khoa học mới được phê duyệt.
Bài học 5: Hành động chi tiết và quyết tâm của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Nhung Nguyễn
Tổng hợp theo báo cáo đánh giá 20 năm kiểm soát ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh – Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc
Để lại bình luận