Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, các chính phủ và cộng đồng khoa học quốc tế đang xem xét nghiêm túc kế hoạch Giám sát Khí nhà kính Toàn cầu do Liên Hợp Quốc đứng đầu. Kế hoạch nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách tăng cường giám sát các chất gây ô nhiễm không khí trên khắp hành tinh.
Sáng kiến của WMO sẽ tạo ra một mạng lưới các trạm đo lường trên mặt đất có thể xác minh dữ liệu chất lượng không khí đáng lo ngại do vệ tinh hoặc máy bay đánh dấu, có khả năng xảy ra trong 5 năm tới.
WMO cho biết, hiện, không có hợp tác quốc tế toàn diện, kịp thời về các quan sát khí nhà kính trên bề mặt và không gian, do đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi dữ liệu để hỗ trợ Thỏa thuận Paris 2015, trong đó cung cấp một lộ trình giảm lượng khí thải carbon và khả năng phục hồi khí hậu.
Kể từ khi công nghiệp hóa, phát thải khí nhà kính đã làm thay đổi đáng kể thành phần khí quyển. Đặc biệt, WMO đã nhiều lần cảnh báo rằng mức độ gia tăng của các loại khí nhà kính như carbon dioxide (CO2) và mêtan (CH4) đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và thúc đẩy biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học khí hậu cho rằng những chất này và các chất gây ô nhiễm khác cũng đang ảnh hưởng đến chất lượng không khí, ảnh hưởng đến con người, nông nghiệp và hệ sinh thái, do đó các phép đo chính xác về không khí rất quan trọng.
Tiến sĩ Oksana Tarasova, Cán bộ khoa học cấp cao của WMO cho biết: “Cần giám sát lượng khí thải do con người tạo ra, sự biến đổi của các khu rừng và các đại dương. Chúng ta cần thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính, bởi chúng ta không còn thời gian để mất”.
Tiến sĩ Tarasova cho biết thêm, năm 2022, WMO đã công bố mức tăng khí mêtan lớn nhất từng được ghi nhận và lý do của sự gia tăng này vẫn còn là dấu hỏi, vì vậy kế hoạch mới được kỳ vọng sẽ lấp đầy những khoảng trống về các dữ liệu này.
Cần dữ liệu chính xác, đáng tin cậy
WMO nhấn mạnh, nếu kế hoạch Giám sát khí nhà kính Toàn cầu được đề xuất là khả thi, sự hợp tác giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân sẽ rất cần thiết. Điều quan trọng không kém là tăng cường phối hợp giữa các mạng lưới quan sát trên bề mặt, trên không và trong không gian.
“Với dữ liệu chính xác hơn và lâu dài hơn, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về bầu không khí đang thay đổi. Chúng ta sẽ có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn và hiểu được liệu những hành động chúng ta đã thực hiện có mang lại hiệu quả mong muốn hay không”, WMO cho biết thêm.
WMO cho hay, một số chính phủ và tổ chức quốc tế đã thực hiện giám sát khí quyển và duy trì bộ dữ liệu, nhưng không có cơ chế chỉ đạo tổng thể và phụ thuộc quá mức vào kinh phí nghiên cứu, do đó, tổ chức này ủng hộ việc thành lập một cơ quan giám sát khí quyển duy nhất và có sự điều phối quốc tế.
Theo WMO, dữ liệu và thông tin chính xác, đáng tin cậy về mức độ ô nhiễm và trầm tích khí quyển cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác động của chúng đối với môi trường, sức khỏe con người, suy giảm đa dạng sinh học, hệ sinh thái và chất lượng nước, đồng thời giảm thiểu những tác động đó hoặc đưa ra các biện pháp bảo vệ.
Nguồn UN News