Báo cáo hiện trạng bụi mịn PM 2.5 hay có thể hiểu là hiện trạng oô nhiễm không khí của 63 tỉnh thành vừa được công bố có thể coi là nỗ lực trong việc xây dựng khởi động các giải pháp và chính sách giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí vì hiện tại chúng ta đang thiếu dữ liệu này để làm cơ sở để nghiên cứu và tìm giải pháp.
Theo ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: “Người dân thấy rằng năm nào cũng ô nhiễm nhưng các biện pháp thì chúng ta lúng túng, lúng túng là vì chúng ta không có số liệu”.
Nếu tính trung bình cứ 200.000 dân phải có 1 trạm đo chất lượng không khí thì Việt Nam cần có ít nhất gần 500 trạm nhưng trên thực tế con số hiện tại chỉ là 66 trạm.
Nhỏ chỉ bằng 1/1000 trạm đo cố định, giá cũng chỉ bằng 1/800, trạm đo cảm biến này có thể lắp ở bất kỳ đâu, dữ liệu thu về theo giờ. Hiện tại ở Việt Nam có vài trăm máy đo cảm biến như thế này, phủ khắp 63 tỉnh thành tuy nhiên nguồn số liệu này lại chưa được công nhận.
Theo chị Hà Thanh Hương – Quản lý dự án Pam Air: “Dữ liệu của cảm biến giá thành thấp nó sẽ là nguồn tham khảo, nguồn trợ giúp cho dữ liệu chính thống của cơ quan Nhà nước. Và nó sẽ mang lại một bức tranh tổng quan về thông tin chất lượng không khí của từng khu vực nhỏ đối với cộng đồng người dân”.
Sai số thấp hay sai số cao, với người dân có lẽ không quá quan trọng. Cái họ cần là giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí.
Một trạm đo cố định có giá từ 7 – 8 tỷ và phải mất chi phí bảo trì mỗi năm khoảng 1 tỷ. Nếu nhân lên với con số 500 trạm thì có thể thấy một khối lượng kinh phí quá lớn mà chúng ta phải chi trả. Tuy nhiên, nếu mãi không có đủ số liệu thì sẽ không đủ nền tảng để đưa ra những chính sách hợp thời điểm và hiệu quả giải quyết ô nhiễm không khí. Một hướng đi mới đã được nhóm các nhà khoa học áp dụng trong báo cáo hiện trạng ô nhiễm không khí 63 tỉnh thành lần đầu tiên này đó là kết hợp dữ liệu đa nguồn.
Hiện trạng ô nhiễm không khí toàn quốc dựa trên dữ liệu đa nguồn
Dù là trạm đo cố định hay trạm cảm biến chi phí thấp thì cũng chỉ đưa ra được hiện trạng ô nhiễm không khí của một điểm đo. Trong khi nếu muốn thấy bức tranh của cả tỉnh, thành phố, toàn vùng hay cả nước thì phải dùng đến dữ liệu vệ tinh. Cả 3 loại dữ liệu này được tổng hợp và phân tích qua một mô hình viết tắt là MEM. Nhờ có nó mà nhóm tác giả thu được các kết quả rất cụ thể về hiện trạng ô nhiễm không khí của từng tỉnh, thành phố theo từng tháng hoặc từng năm.
Trong 3 nguồn dữ liệu được khai thác lần này, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh trong việc ghi nhận hiện trạng về ô nhiễm không khí được coi là phương pháp nghiên cứu phù hợp với xu thế của các nhà khoa học trên thế giới.
Phương án kết hợp dữ liệu từ các nguồn khác nhau được coi là một hướng đi tốt cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Theo ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: “Kết hợp Hybrid để làm dày lên số liệu, tốt hơn số liệu, kết hợp với phương pháp AI. Một loạt vấn đề như thế sẽ làm cho số liệu ngày càng dầy hơn, nhiều hơn, phủ về mặt không gian hơn, thời gian dầy hơn. Như thế nó sẽ giúp ích cho nhà quản lý biết rõ hơn, kịp thời hơn, nhanh hơn về nhiều vấn đề. Hai nữa là làm được bài toán dự báo”.
Trong Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020 có riêng Điều 13 quy định về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Thuủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mỗi tỉnh thành phố cần có kế hoạch quản lý chất lượng không khí theo cấp tỉnh. Để có thể cụ thể hóa kế hoạch này thì rõ ràng bài toán dữ liệu về chất lượng không khí cần phải được giải.
Nguồn VTV