Năm 2021, thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành, đơn vị liên quan mở mới 30 tuyến buýt có trợ giá bằng ngân sách; trong đó có từ 10 đến 20% số tuyến mở mới chạy bằng nhiên liệu sạch.
Sau khi thành phố Hà Nội có chủ trương trên, trong năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội triển khai mở mới 10 tuyến buýt đầu tiên trong năm 2021 chạy bằng động cơ sạch – xe buýt điện, thời gian mở 10 tuyến buýt điện là quý II/2021.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, đến nay kế hoạch này vẫn chưa được triển khai. Lộ trình 10 tuyến buýt này gồm: Long Biên – Khu đô thị (KĐT) Smart City; KĐT Smart City – Công viên nước Hồ Tây; Bến xe Giáp Bát – KĐT Smart City; Long Biên – KĐT Smart City; Hào Nam – KĐT Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình – KĐT Ocean Park; Mỹ Đình – Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội- KĐT Times City; KĐT Smart City – Vincom Long Biên; KĐT Ocean Park – Sân bay Nội Bài… Thậm chí, lộ trình tuyến xe điện chạy từ KĐT Ocean Park – Sân bay Nội Bài còn bị Bộ GTVT không đồng ý cho mở vì trùng tuyến, lặp với các tuyến buýt đã có đang hoạt động.
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, một số tuyến xe buýt điện đã có kế hoạch mở mới trong quý II/2021 đã được nhà đầu tư mua sắm xe và chạy thử tuy nhiên do vướng mắc về cơ chế định mức hoạt động để được hưởng trợ giá của thành phố chưa xây dựng xong nên xe buýt điện chưa thể lăn bánh trên đường.
Sở đã thống nhất, trong khi chưa có định mức hoạt động cho xe buýt điện thì thành phố sẽ áp dụng định mức của xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG để xe điện hoạt động theo hình thức đặt hàng.
Tuy nhiên, một số bộ ngành được Chính phủ yêu cầu cho ý kiến vẫn bày tỏ băn khoăn, yêu cầu giải trình thêm. Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng, xe buýt là lĩnh vực hoạt động công ích, theo quy định (Nghị định 32) các đơn vị muốn tham gia phải thông qua đấu thầu cạnh tranh chứ không thể đặt hàng; cần xem việc đưa xe điện vào hoạt động khi hạ tầng giao thông có đáp ứng được không, có làm tăng mật độ xe trên đường?…
Bộ KH&ĐT thì cho rằng, do phục vụ vận tải công cộng đô thị nên việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế thuộc thẩm quyền thành phố Hà Nội; hoạt động xe buýt điện cần có tiêu chuẩn để áp dụng, tránh thất thoát ngân sách nhà nước…
Bỏ tuyến buýt điện trùng lặp
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo về việc triển khai 10 tuyến xe buýt điện và tiếp thu các ý kiến bộ, ngành.
Tập đoàn Vingroup là đơn vị triển khai đã chuẩn bị phương tiện, đầu tư lắp đặt 2 trạm sạc điện tại depot KĐT Ocean Park tại huyện Gia Lâm và depot tại KĐT Smart City (Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) để đáp ứng đủ điều kiện cho 10 tuyến xe buýt điện hoạt động.
“Ngoài ra UBND thành phố đang giao cho Sở Công Thương rà soát toàn bộ các hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn để khuyến khích các tổ chức, kết nối, hỗ trợ các đơn vị cung cấp nhiên liệu và các đơn vị vận tải hợp tác đầu tư theo quy hoạch”, ông Viện thông tin thêm.
Với các ý kiến của các bộ, ngành, ông Viện giải trình: Về nội dung chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế hiện nay, loại hình xe buýt điện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc vận dụng tạm thời đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật của loại hình xe buýt CNG đã được Văn phòng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc vào tháng 3/2021.
Đối với hạ tầng giao thông và kết nối, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội giải trình, các tuyến buýt điện có lộ trình hoạt động chủ yếu trong khu vực nội thành, lộ trình hoạt động các tuyến buýt đều được khảo sát đảm bảo điều kiện về hạ tầng cho xe buýt hoạt động.
Xe buýt điện có sức chứa 68 chỗ, có kích thước nhỏ hơn so với xe buýt lớn chạy bằng dầu đang hoạt động lâu nay, do vậy hạ tầng giao thông hiện nay cơ bản đáp ứng điều kiện vận hành cho xe buýt điện. Đưa các tuyến buýt điện vào hoạt động là kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2021 đến năm 2030 của Hà Nội. Kế hoạch này đã được UBND thành phố phê duyệt và không tăng thêm tuyến.
Nguồn Báo Tiền Phong
Để lại bình luận