Cùng với sự phát triển về kinh tế – xã hội hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, một số khu vực đã và đang gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân… Để giải quyết bài toán xử lý rác thải ở địa phương, Lập Thạch đang chuẩn bị xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung với công nghệ hiện đại – đây được coi là giải pháp căn cơ và bền vững cho tương lai.
Tìm lời giải cho bài toán rác thải
Theo Báo cáo của UBND huyện Lập Thạch, số lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện trong năm 2021 trung bình 110,54 tấn/ngày, tăng 14,29 tấn/ ngày so với năm 2020. Toàn huyện Lập Thạch có 36 bãi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt tại 20 xã, thị trấn, tổng diện tích là 26.750m2… Tại một số khu vực nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay trầm trọng hơn khu vực đô thị do chưa có mô hình xử lý rác thải tiên tiến, phù hợp. Ô nhiễm chủ yếu đến từ chất thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, trường học, công sở, nơi công cộng.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường chiều 11/1/2022, ông Nguyễn Mạnh Tưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch cho biết: Việc xử lý rác thải hiện nay trên địa bàn huyện chủ yếu là chôn lấp thông thường và sử dụng các lò đốt chuyên dụng quy mô cấp xã, hầu hết đã quá tải và có nguy cơ gây ô nhiễm trầm trọng về không khí, đất và nước ngầm.
Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Lập Thạch có 5 xã là Sơn Đông, Văn Quán, Thái Hòa, Xuân Hòa và thị trấn Lập Thạch đã được UBND tỉnh đầu tư lò đốt rác bằng khí tự nhiên công suất 500kg/ngày, quy mô xử lý cấp xã. Tuy nhiên, các lò đốt rác chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hiện nay, những lò đốt này được Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo không nên sử dụng vì nhiệt lượng không đảm bảo để xử lý triệt để các chất thải cũng như khí thải phát sinh, không đảm bảo đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường… “Vì vậy, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lập Thạch đã thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung với công nghệ hiện đại – đây được coi là giải pháp căn cơ và bền vững cho tương lai” – Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Tưởng cho hay.
Nhà máy xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại – giải pháp căn cơ
Trước tình hình đó, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương mỗi huyện, thành phố trên địa bàn cần đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải riêng để xử lý rác thải trên địa bàn. Theo đó, huyện Lập Thạch được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch theo Quyết định số 3238/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 với mục tiêu xây dựng một nhà máy xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại để xử lý rác thải, chống ô nhiễm môi trường, thu hồi nhiệt năng để sấy rác; sử dụng tro xỉ sau khi đốt để sản xuất gạch không nung phục vụ các công trình xây dựng.
Nhà máy xử lý rác thải tập trung được xây dựng tại đồi Lũng Sấu, thôn Thành Công, xã Xuân Hòa với quy mô 6,6 ha nhằm xử lý rác thải tập trung trên địa bàn xã Xuân Hòa và các thị xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lập Thạch. Vị trí này có khoảng cách bảo đảm an toàn môi trường đến khu dân cư theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 01:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại xã Xuân Hòa sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, để xử lý chất thải rắn (CTR) với công suất thiết kế 270 tấn/ngày đêm (công suất xử lý giai đoạn 1 khoảng 180 tấn/ngày đêm), được đầu tư đồng bộ xuyên suốt các hạng mục công trình tại khu vực Dự án. Các công nghệ được nghiên cứu, đề xuất dựa trên thực nghiệm tại các Nhà máy trong và ngoài nước. Công nghệ xử lý, tái chế chất thải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại Việt Nam; sử dụng các dây chuyền công nghệ bán tự động và tự động từ công đoạn tiếp nhận chất thải, phân loại, xử lý, tái chế. Máy móc, trang thiết bị được nhập khẩu từ các quốc gia như Nhật Bản, Châu Âu (EU)… cùng với các thiết bị được sản xuất trong nước đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Rác được thu gom, vận chuyển bằng các xe chuyên dụng, bảo đảm không rơi vãi, rỉ nước, thoát mùi hôi ra môi trường khi vận chuyển đến nhà máy. Tại nhà máy, xe vận chuyển được đi qua hệ thống cân điện tử để cân rác, qua cửa tiếp nhận rác tự động (2 cửa) rồi đổ vào Hầm chứa rác để lưu trữ. Rác thải ủ, lên men trong hầm chứa có độ sâu 8m tạo áp suất âm nhằm ngăn mùi phát sinh hố chứa rác. Hầm chứa rác được thiết kế có hệ thống thu gom với độ dốc nhất định để gom nước rỉ rác. Nước rỉ rác được thu gom về hố thu gom, sau đó bơm về hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý.
Đường dẫn xe vào hầm đổ rác được bao kín, có mái che, tạo áp suất âm và lắp đặt hệ thống hút mùi để đảm bảo không phát tán mùi ra xung quanh. Hai bên đường dẫn vào hầm chứa rác được lắp đặt hệ thống thu nước và các vòi phun áp lực để vệ sinh đường dẫn. Nước rỉ rác và nước rửa vệ sinh sẽ được thu và đưa vào hệ thống chứa bồn hoặc bể chứa riêng để bơm tưới vào hầm chứa rác, nước thải bao gồm cả nước rỉ rác được thu gom xử lý, tuần hoàn tái sử dụng cho hoạt động sinh hoạt, không phát sinh ra ngoài môi trường. Tro xỉ sau đốt rác được ền nhỏ, trộn với xi măng và phụ gia để hóa rắn làm gạch không nung phục vụ xây dựng, do vậy không phát sinh chất thải ra ngoài môi trường…
Hiện, công tác chuẩn bị các thủ tục để xây dựng nhà máy đang được huyện Lập Thạch và chủ đầu tư khẩn trương xúc tiến. Lập Thạch tin tưởng, nhà máy xử lý rác thải tập trung đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương và khu vực lân cận, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đồng thời Nhà máy phải trở thành khu vực thăm quan, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân.