Ô nhiễm từ các bãi rác ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhưng khi xây dựng những nhà máy xử lý rác thì người dân lại phản đối. Nguyên nhân đến từ đâu?
Ô nhiễm từ bãi chôn lấp rác
Rác thải sinh hoạt không được xử lý một cách triệt để và gây ô nhiễm môi trường là thực trạng không chỉ xảy ra ở thành thị mà ở cả các vùng nông thôn.
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt. Nguồn thải lớn, nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, lại vừa gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay ở nhiều nơi đang xuất hiện một nghịch lý, đó là dù người dân mong muốn có nhà máy xử lý rác hợp vệ sinh, nhưng họ lại từ chối việc xây dựng nó ở địa phương mình. Câu chuyện ở Xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là một ví dụ.
Trên địa bàn huyện này, các bãi rác đều dùng biện pháp chôn lấp, một số ít đốt rác thủ công với công suất nhỏ và công nghệ lạc hậu. Nước rác rò rỉ chưa được xử lý lại tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện tượng đốt rác thường xuyên thì gây ô nhiễm không khí. Những hệ lụy từ cách xử lý rác kiểu cũ dĩ nhiên đã trực tiếp làm khổ cuộc sống người dân ở đây.
Rác thải sinh hoạt của 2 xã chỉ được thu gom ở một điểm nên có lúc đã xảy ra quá tải. Địa phương đã chọn cách đốt nhưng đốt không xuể thì chuyển sang đào hố để chôn. Và càng chôn rác lại càng nổi phềnh. Không được xử lý, lượng rác ngày 1 tăng, từ rác khô nay có thêm cả nước rác.
Các giai đoạn xây dựng nhà máy xử lý rác
Không thể để cuộc sống của người dân đảo lộn vì ô nhiễm môi trường nên từ năm 2019, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho mỗi huyện phải quy hoạch 1 khu xử lý rác tập trung có công nghệ huyện đại, với quy mô từ 8 đến 10 héc ta.
Về nguyên tắc, để xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sẽ cần 5 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, địa phương có tờ trình lên UBND tỉnh đề nghị địa điểm xây dựng khu xử lý rác. Giai đoạn 2 là báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trong đó UBND huyện sẽ phải làm việc với các sở ngành của tỉnh. Giai đoạn 3 là xây dựng đường vào khu xử lý rác và giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư. Sau đó, trong giai đoạn 4, công nghệ xử lý rác sẽ được lựa chọn cùng việc công bố chủ đầu tư.
Việc quan trọng nhất trong giai đoạn này là lấy ý kiến cộng đồng dân cư để thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và chỉ khi người dân đồng thuận mới triển khai đến giai đoạn cuối là tổ chức thực hiện. Hiện nay, quá trình xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở xã Đông Á mới chỉ đến giai đoạn 3, thì đã vấp phải ý kiến trái chiều của người dân.
Lý do người dân phản đối xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Người dân xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Lúa được mùa hơn mọi năm, nhưng nay nghe đưa dự án nhà máy rác về đây dân chúng tôi rất lo vì bản thân tôi già chỉ trông vào đất vào cây lúa chứ giờ không đi công ty được”.
Nỗi lo vẫn cứ tồn tại dẫu dự án nhà máy xử lý rác vẫn chưa thành hình. Mặc dù chưa rõ vị trí chính xác của nhà máy ở đâu nhưng nó đã trở thành mối bận tâm của người dân trong làng.
Người dân xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết: “Tôi đang đứng đây là mốc của lộ giới của nhà máy xử lý rác. Cách làng nơi dân chúng tôi đang ở trước mặt đây là 400-450m, cách sông 200m, cách nhà máy xử lý rác tầm 900m. Như vậy có được không!?”.
Sự thắc mắc cứ tiếp nối khi công tác đo đạc, lập danh sách thu hồi đất phục vụ cho dự án được triển khai. Để giải tỏa thắc mắc, cuộc gặp gỡ giữa chính quyền với đại diện người dân đã diễn ra, có những người được tham gia lấy ý kiến nhưng cũng không quan tâm tới nội dung và mục đích của cuộc họp.
Đến khi chính quyền địa phương thông báo giải phóng mặt bằng xây dựng đường vào nhằm kết nối khu đất quy hoạch Nhà máy xử lý rác với các tuyến đường hiện có thì người dân mới hay, dự án nhà máy rác có liên quan đến mình. Tức tốc, tại các nhà hội thôn, việc lấy ý kiến đã được diễn ra. Ý kiến không đồng thuận chiếm tuyệt đối. Xã Đông Á có 7 thôn thì cả 7 đều không đồng ý chủ trương xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn.
Ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết: “Chúng tôi tiếp thu toàn bộ ý kiến của nhân dân không đồng thuận việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Chúng tôi báo lên cấp trên và đề nghị cấp trên và mong sớm có câu trả lời để chúng tôi thông báo lại cho người dân, để yên dân làm kinh tế”.
Từng bước giải quyết khó khăn của người dân
Trước những phản hồi của người dân, chính quyền địa phương cũng đã lần lượt đưa ra những giải thích. Nhưng hiện nay, việc người dân tụ tập đông người tại trụ sở UBND xã cũng đã và đang gây ra những khó khăn trong công tác tuyên truyền. Do vậy, cũng mong người dân bình tĩnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có cơ hội để giải thích cụ thể và rõ ràng hơn về những băn khoăn, thắc mắc của người dân. Bởi việc xây dựng một nhà máy xử lý rác hiện đại cũng chính là vì lợi ích của cộng đồng.
Huyện Đông Hưng có 37 xã và 1 thị trấn, nhưng thay vì nơi khác, nhà máy rác lại được lựa chọn để xây dựng ở xã mình. Đó là lý do khiến người dân xã Đông Á không cam tâm. Họ nghĩ rằng như thế là thiệt thòi hơn xã khác. Tuy nhiên theo đại diện chính quyền địa phương, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác không phải là sự ngẫu nhiên.
Ông Nguyễn Xuân Đán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết: “Thái Bình là tỉnh đồng bằng, mật độ dân cư rất là dày và thường các khu dân cư ở rất là sát nhau. Qua rà soát trên địa bàn toàn huyện, không có khu đất nào khác vừa đáp ứng được khoảng cách, đầu tiên là diện tích từ 8 đến 10 ha.
Thứ 2 là đáp ứng được khoảng cách tới khu dân cư khác trên 500 mét. Qua quá trình nghiên cứu trên bản đồ và đi thực địa thì chúng tôi thấy khu đất lựa chọn trên xã Đông Á ở khu đất quy hoạch hiện nay là phù hợp đáp ứng được quy chuẩn kĩ thuật.
Xây dựng một công trình để phục vụ người dân, nên không thể thiếu yếu tố dân chủ. Nhưng đại đa số người dân cho rằng, họ không được biết và không được trưng cầu dân ý”.
Tâm tư nguyện vọng của người dân chưa được nắm bắt đầy đủ, nên chuyện họ có phản ứng là điều dễ hiểu. Chưa kể người dân còn đang có băn khoăn khác. Cách đây vài năm, một nhóm người dân ở xã Đông Á đi thăm nhà máy xử lý rác hiện đại ở Cần Thơ, một nhà máy xử lý rác chuẩn kiểu mẫu về công nghệ. Thế nhưng đến nay, họ lại phát hiện, chính nhà máy này lại đang gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cho biết: “Khi dự án triển khai phải lập dự án đánh giá tác động môi trường. Trước khi đi vào hoạt động phải được Bộ TNMT cấp giấy phép. Và đặc biệt là trong quá trình hoạt động thì hệ thống quan trắc online sẽ được công khai trên mạng thông tin điện tử.
Để nhân dân không những ở xã mà ở mọi nơi có thể thường xuyên giám sát chất lượng môi trường ở khu vực. Nhà máy xử lý rác thải theo quy mô và mô hình dự kiến đầu tư triển khai ở Đông Á đấy thì ở Thái Bình và 1 số địa phương lân cận chưa có cho nên chưa thể so sánh, đánh giá được các tồn tại bây giờ với nhà máy hình thành ở trong tương lai”.
Không thể nhìn hiện tại để đoán tương lai bởi nếu ai cũng cứ lo sợ về những điều chưa diễn ra, thì không mục tiêu nào có thể hoàn thành. Dẫu vậy, những lo ngại của người dân là chính đáng. Và chỉ khi những hoài nghi, bức bối của họ được giải toả, mọi đúng sai mới có thể phân định rõ ràng.
Ý kiến của chuyên gia về việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Từ trước đến nay, việc người dân phản đối xây dựng nhà máy xử lý rác thải ngay từ khi dự án chưa thành hình đã từng diễn ra ở nhiều địa phương như: Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Tâm lý lo ngại của người dân là hoàn toàn có cơ sở và chính đáng.
Do vậy, theo các chuyên gia môi trường, chính quyền địa phương cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân. Bên cạnh đó, cần có những cam kết về các yếu tố môi trường trong khu vực và tiếp giáp khu vực ảnh hưởng để nhân dân yên tâm. Về phía người dân, cũng cần nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở địa phương mình.
GS TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: “Nếu địa phương nào cũng không chịu chấp nhận nhà máy xử lý chất thải rắn đặt tại địa phương mình thì chất thải rắn sinh hoạt sẽ xử lý ở đâu, như thế nào. Chúng ta hãy vì cộng đồng, vì sức khỏe chung của con người.
Hãy nghĩ tới trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội mà ủng hộ cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Với điều kiện các cơ sở ấy phải đảm bảo tiêu chuẩn về công nghệ, về xã hội, về kinh tế và đảm bảo về vấn đề an toàn môi trường cho khu vực dân cư. Tức là phải có giải pháp về mặt pháp luật tương đối cứng rắn về cả 2 phía.
Công nghệ nào hay hay không hay nó phụ thuộc vào cách thức quản lý, trình độ kĩ thuật của người vận hành. Thực ra cơ sở, nhà máy xử lý chất thải rắn là góp phần bảo vệ môi trường sống của chính các vị ở khu vực đó”.
PGS, TS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: “Người dân, người nào cũng thế thôi, đều muốn mình sạch nhưng không muốn mình chịu ảnh hưởng gì từ hoạt động xử lý môi trường để làm sạch cho bản thân mình. Xây dựng nhà máy xử lý rác nếu càng xa khu dân cư thì sự phản đối của người dân sẽ giảm đi rất là nhiều. Đấy là cái thứ nhất.
Cái thứ hai nữa là bằng cách tuyên truyền vận động người dân để người dân hiểu rằng công nghệ và các bước triển khai của mình là đúng và đảm bảo vệ sinh môi trường thì tôi tin rằng chính quyền địa phương hoàn toàn có thể thuyết phục được người dân. Quan trọng là chính quyền phải có đầu tư đầy đủ để mà thực hiện đúng cái cam kết của mình. Một khi chính quyền đã tạo được lòng tin cho dân, tôi tin rằng dân sẽ ủng hộ thôi.
Người dân cần phải hiểu rằng rác thải cần phải được thu gom và xử lý đúng cách. Và nếu chính quyền đã cam kết thì phải có bản cam kết rõ ràng. Và người dân được tham gia vào quá trình giám sát, thực hiện các cam kết đó. Và nếu như vậy thì người dân cần phải ủng hộ chính quyền trong việc này.
Nếu người dân không ủng hộ thì rõ ràng là rác thải không được thu gom, xử lý đúng cách và bản thân người dân phải hứng chịu. Do vậy ủng hộ xây dựng những khu xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại là quyền lợi của người dân, quyền lợi thực sự của người dân. Và chính quyền thực hiện việc đó cũng là vì quyền lợi của cộng đồng.
Cho nên người dân nên ủng hộ. Chính quyền địa phương phải rất nghiêm túc thực hiện quyết tâm và bố trí nguồn lực hợp lý, kể cả việc giám sát thực hiện để đảm bảo những cam kết với người dân. Chính quyền địa phương đầu tiên phải cam kết với người dân, có sự tham gia của người dân, và chịu sự giám sát của người dân. Và cái đó hoàn toàn đúng với hệ thống pháp luật của Việt Nam”.
Sẽ tổ chức các cuộc họp bàn đối thoại với người dân
“Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” – bất kì nhiệm vụ và mục tiêu nào nếu có được sự đồng thuận của người dân thì sẽ chắc chắn về đích. Câu chuyện ở xã Đông Á, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình cũng là câu chuyện khá điển hình ở các địa phương trên cả nước. Chính quyền địa phương sẵn sàng đối thoại và vẫn đang tìm những giải pháp thích hợp để có được sự thấu hiểu và ủng hộ của người dân.
Ủy ban nhân dân huyện vẫn đang tiếp tục làm việc trực tiếp với Sở tài nguyên môi trường, Sở kế hoạch đầu tư cùng các sở ngành có liên quan để hiểu rõ hơn về lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cùng công nghệ mà nhà máy xử lý rác thải sẽ áp dụng. Từ đó tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân nơi dự án được thực hiện. Tăng cường công tác đối thoại để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và thắc mắc còn tồn tại của người dân.
Làm thế nào để nhà máy đi vào hoạt động vẫn vận hành đúng như cam kết ban đầu, không làm ảnh hưởng đến không khí, nguồn nước sinh hoạt và cuộc sống người dân. Hiện, công tác đối thoại sẽ tiếp tục được triển khai theo quy mô cấp xã và cấp thôn, tuyệt đối tôn trọng quyền dân chủ.
Và ngay trong chiều hôm nay, Đảng ủy và hội đồng nhân dân huyện Đông Hưng sẽ trực tiếp đối thoại với đại diện người dân xã Đông Á nhằm tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn.
Nguồn VTV